TAFI

Kế toán

Thông tư 324/2016/TT-BTC Quy định mục lục ngân sách nhà nước

Thông tư 324/2016/TT-BTC Quy định mục lục ngân sách nhà nước.


Thông tư 324/2016/TT-BTC, ngày 21/12/2016 của Bộ tài chính. Quy định hệ thống mục lục ngân sách nhà nước, mã chương, mã nội dung kinh tế, mã tiểu mục, khoản, có hiệu lực từ ngày từ ngày 4/2/2017 áp dụng từ năm 2018.

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 324/2016/TT-BTC

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2016

 

THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH HỆ THỐNG MỤC LỤC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước áp dụng trong công tác lập dự toán; quyết định, phân bổ, giao dự toán; chấp hành, kế toán, quyết toán các khoản thu, chi ngân sách nhà nước, bao gồm: Chương; Loại, Khoản; Mục, Tiểu mục; Chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia; Nguồn ngân sách nhà nước; Cấp ngân sách nhà nước.

2. Đối tượng áp dụng

a) Cơ quan có nhiệm vụ quản lý thu, chi ngân sách nhà nước các cấp.

b) Đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

c) Cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.

Điều 2. Phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo “Chương”

1. Nội dung phân loại

Chương dùng để phân loại thu, chi ngân sách nhà nước dựa trên cơ sở hệ thống tổ chức của các cơ quan, tổ chức trực thuộc một cấp chính quyền (gọi chung là cơ quan chủ quản) được tổ chức quản lý ngân sách riêng. Mỗi cấp ngân sách bố trí một Chương đặc biệt (Các quan hệ khác của ngân sách) để phản ánh các khoản thu, chi ngân sách không thuộc dự toán giao cho các cơ quan, tổ chức.

2. Mã số hóa nội dung phân loại

a) Chương được mã số hóa theo 3 ký tự theo từng cấp quản lý: Đối với cơ quan ở cấp trung ương, mã số từ 001 đến 399; đối với cơ quan ở cấp tỉnh, mã số từ 400 đến 599; đối với cơ quan ở cấp huyện, mã số từ 600 đến 799; đối với cơ quan cấp xã, mã số từ 800 đến 989.

b) Cách thức bố trí

Đối với cơ quan chủ quản hoặc đơn vị, tổ chức kinh tế được bố trí mã riêng cho từng cơ quan chủ quản hoặc đơn vị, tổ chức kinh tế; các đơn vị trực thuộc cơ quan chủ quản (hoặc thuộc đơn vị, tổ chức kinh tế cấp trên) được sử dụng mã Chương của cơ quan chủ quản (đơn vị, tổ chức kinh tế cấp trên).

Đối với các đơn vị, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân độc lập, có cùng tính chất được bố trí mã Chương chung cho các đơn vị.

3. Nguyên tắc hạch toán

a) Các khoản thu ngân sách nhà nước hạch toán theo Chương của đơn vị quản lý và có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước; các khoản chi ngân sách nhà nước của đơn vị sử dụng ngân sách, dự án đầu tư hạch toán theo Chương cơ quan chủ quản. Căn cứ mã số Chương nằm trong khoảng cấp nào, để xác định Chương đó thuộc cấp quản lý tương ứng.

b) Các trường hợp ủy quyền

- Trường hợp cơ quan, đơn vị được cơ quan thu ủy quyền thu, hạch toán theo Chương của cơ quan ủy quyền thu. Riêng các khoản thu do cơ quan thuế, cơ quan hải quan ủy quyền thu hạch toán vào chương người nộp.

- Trường hợp cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí ủy quyền của cơ quan khác, hạch toán theo Chương của cơ quan ủy quyền chi.

4. Danh mục mã Chương

Danh mục mã Chương được quy định chi tiết tại Phụ lục số I ban hành kèm theo Thông tư này. Sở Tài chính hướng dẫn việc hạch toán mã số Chương trên địa bàn để phù hợp với thực tế tổ chức ở địa phương; không ban hành mã số khác với Thông tư này.

Điều 3. Phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo “Loại, Khoản”

1. Nội dung phân loại

a) Loại dùng để phân loại các khoản chi ngân sách nhà nước theo lĩnh vực chi ngân sách được quy định tại Điều 36 và Điều 38 của Luật Ngân sách nhà nước.

b) Khoản là phân loại chi tiết của Loại, dùng để phân loại các khoản chi ngân sách nhà nước theo ngành kinh tế quốc dân được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Mã số hóa nội dung phân loại

a) Loại được mã số hóa theo 3 ký tự, với các giá trị lá số chẵn theo hàng chục, khoảng cách giữa các Loại là 30 giá trị. Riêng Loại các hoạt động kinh tế là 60 giá trị.

b) Khoản được mã số hóa theo 3 ký tự, với các giá trị có hàng đơn vị từ 1 đến 9 liền sau mã số của từng Loại tương ứng.

3. Nguyên tắc hạch toán

Hạch toán phân bổ dự toán ngân sách nhà nước theo Loại, Khoản phù hợp với nội dung dự toán được giao. Trường hợp một dự án có nhiều công năng, căn cứ công năng chính của dự án để xác định Loại, Khoản phù hợp.

Khi hạch toán chi ngân sách nhà nước, chỉ hạch toán mã số Khoản theo đúng nội dung phân loại, căn cứ mã số Khoản để xác định khoản chi ngân sách thuộc Loại tương ứng. Cụ thể như sau:

a) Loại Quốc phòng (ký hiệu 010)

Để phản ánh, hạch toán các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên cho các hoạt động về quốc phòng của đơn vị chuyên trách Trung ương và địa phương theo phân cấp; không gồm chi công tác dân quân tự vệ của các cơ quan, đơn vị ngoài lực lượng chuyên trách của Trung ương và địa phương được phản ánh trong từng lĩnh vực hoạt động tương ứng của từng cơ quan, đơn vị.

b) Loại An ninh và trật tự an toàn xã hội (ký hiệu 040)

Để phản ánh, hạch toán các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên cho các hoạt động về an ninh và trật tự an toàn xã hội của đơn vị chuyên trách trung ương và địa phương theo phân cấp; không gồm chi công tác an ninh và trật tự an toàn xã hội tại các cơ quan, đơn vị ngoài lực lượng chuyên trách Trung ương và địa phương được phản ánh trong từng lĩnh vực hoạt động tương ứng của từng cơ cơ quan, đơn vị.

c) Loại Giáo dục - đào tạo và dạy nghề (ký hiệu 070)

Để phản ánh, hạch toán các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên cho các hoạt động giáo dục - đào tạo và dạy nghề, như sau:

Giáo dục - đào tạo:

+ Chi các hoạt động giáo dục - đào tạo bao gồm các hoạt động giáo dục mầm non; giáo dục tiểu học; giáo dục trung học cơ sở; giáo dục trung học phổ thông; giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; giáo dục đại học, sau đại học, phát hiện và đào tạo bồi dưỡng nhân tài để bổ sung nguồn nhân lực khoa học và công nghệ; đào tạo khác trong nước; đào tạo ngoài nước; đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ khác cho cán bộ, công chức, viên chức (gồm cả đào tạo nước ngoài); các nhiệm vụ phục vụ cho giáo dục, đào tạo khác.

+ Chi ngân sách nhà nước cho hoạt động giáo dục - đào tạo bao gồm các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên để xây dựng, cải tạo trường học, cải tạo cơ sở đào tạo, nhà làm việc, trang thiết bị học tập; chi hoạt động của các cơ sở giáo dục theo chế độ quy định.

Không bao gồm: Chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục đào tạo; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về khoa học và công nghệ cho đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ theo Luật Khoa học và công nghệ; chi ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển giáo dục, đào tạo.

Giáo dục nghề nghiệp:

+ Chi các hoạt động giáo dục nghề nghiệp của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm các hoạt động đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.

+ Chi ngân sách nhà nước cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp bao gồm các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên để xây dựng, cải tạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trang thiết bị học nghề; chi hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo chế độ quy định.

Không bao gồm: Chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước của Tổng cục Dạy nghề; chi ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển dạy nghề.

d) Loại Khoa học và công nghệ (ký hiệu 100)

- Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và triển khai, chuyển giao ứng dụng về khoa học tự nhiên và kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học và công nghệ khác. Bao gồm cả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về khoa học và công nghệ cho đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ theo Luật Khoa học và công nghệ.

- Chi ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ bao gồm các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên để phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và triển khai, chuyển giao ứng dụng về khoa học tự nhiên và kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học và công nghệ khác. Bao gồm cả các khoản chi để phục vụ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về khoa học và công nghệ cho đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ theo Luật Khoa học và công nghệ.

Không bao gồm: Chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ; chi ngân sách cho các hoạt động đào tạo trình độ đại học, sau đại học bao gồm cả phát hiện và đào tạo bồi dưỡng nhân tài để bổ sung nguồn nhân lực khoa học và công nghệ theo Luật Giáo dục đại học; chi ngân sách cho các hoạt động giáo dục nghề nghiệp (trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.

đ) Loại Y tế, dân số và gia đình (ký hiệu 130)

- Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng do ngân sách nhà nước mua hoặc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế và chi vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế khác, dân số và gia đình.

- Chi ngân sách nhà nước cho hoạt động y tế, dân số và gia đình bao gồm các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên để phục vụ cho hoạt động y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế khác, dân số và gia đình.

Không bao gồm: Chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Sở Y tế, Phòng Y tế; chi ngân sách cho hoạt động đào tạo; chi ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng và phát triển thực nghiệm về y tế và sức khỏe con người; chi xử lý môi trường.

e) Loại Văn hóa thông tin (ký hiệu 160)

- Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin, truyền thông, báo chí.

- Chi ngân sách nhà nước bao gồm chi đầu tư và chi thường xuyên cho hoạt động văn hóa thông tin để phục vụ cho các hoạt động thuộc văn hóa và thông tin.

Không bao gồm: Chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Phòng Văn hóa; chi ngân sách cho các hoạt động hoa tiêu lĩnh vực đường thủy, đường không, hệ thống phát thanh, truyền hình, thông tấn; khoa học và công nghệ, đào tạo.

g) Loại Phát thanh, truyền hình, thông tấn (ký hiệu 190)

- Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động phát thanh, truyền hình, thông tấn.

- Chi ngân sách nhà nước bao gồm các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên cho hoạt động phát thanh, truyền hình, thông tấn.

Không bao gồm: Chi ngân sách cho các hoạt động đào tạo; Chi ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ.

h) Loại Thể dục thể thao (ký hiệu 220)

- Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động nhằm cung cấp các dịch vụ thể dục thể thao và phát triển các chính sách về các vấn đề thể dục thể thao; điều hành hoạt động hoặc hỗ trợ các hoạt động thể thao.

- Chi ngân sách nhà nước cho hoạt động thể dục thể thao bao gồm các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên để xây dựng, cải tạo sân vận động, trung tâm thể thao, nhà thi đấu, mua sắm trang thiết bị huấn luyện, chi phí đào tạo vận động viên thành tích cao, chi phí hỗ trợ vận động viên, các chính sách chế độ liên quan thể dục thể thao.

Không bao gồm: Chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa; chi ngân sách cho hoạt động đào tạo; chi ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển thể thao.

i) Loại Bảo vệ môi trường (ký hiệu 250)

- Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động điều tra, quan trắc và phân tích môi trường; xử lý chất thải rắn, lỏng, khí; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường khác.

- Chi ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường bao gồm các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên để điều tra, quan trắc và phân tích môi trường; xử lý chất thải rắn, lỏng, khí; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường khác.

Không bao gồm: Chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường; chi ngân sách cho các hoạt động đào tạo; chi hoạt động nghiên cứu khoa học.

k) Loại Các hoạt động kinh tế (ký hiệu 280)

- Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động nhằm phục vụ, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành kinh tế như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, công thương, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, du lịch, hoạt động dự trữ quốc gia, tài nguyên và các hoạt động kinh tế khác.

- Các khoản chi ngân sách nhà nước cho hoạt động kinh tế bao gồm chi đầu tư và chi thường xuyên để phục vụ, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành kinh tế như nông nghiệp, công thương, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, du lịch, hoạt động dự trữ quốc gia, tài nguyên, các hoạt động kinh tế khác.

Không bao gồm: Chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước tại các cơ quan quản lý trung ương và địa phương; chi ngân sách cho hoạt động đào tạo; chi ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

l) Loại Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể (ký hiệu 340)

- Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước; hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; hỗ trợ hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp và đoàn thể khác theo quy định; các hoạt động quản lý nhà nước khác.

- Chi ngân sách nhà nước bao gồm chi đầu tư và chi thường xuyên cho hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể để phục vụ cho các hoạt động quản lý nhà nước; hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; chi hỗ trợ hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp và đoàn thể khác theo quy định; chi ngân sách nhà nước cho các hoạt động quản lý nhà nước khác.

Không bao gồm: Chi ngân sách cho các hoạt động đào tạo; chi ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học; chi hoạt động kinh tế.

m) Loại Bảo đảm xã hội (ký hiệu 370)

- Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động nhằm bảo đảm xã hội và thực hiện các chính sách về bảo đảm xã hội bao gồm: chính sách và hoạt động người có công với cách mạng; hoạt động bảo vệ và chăm sóc trẻ em; lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả; chính sách và hoạt động đối với các đối tượng bảo trợ xã hội khác và các đối tượng khác.

- Chi ngân sách nhà nước bao gồm chi đầu tư và chi thường xuyên cho các hoạt động bảo đảm xã hội để phục vụ các hoạt động bảo đảm xã hội và thực hiện các chính sách về bảo đảm xã hội: Chính sách và hoạt động người có công với cách mạng; hoạt động bảo vệ và chăm sóc trẻ em; lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả; chính sách và hoạt động đối với các đối tượng bảo trợ xã hội khác và các đối tượng khác.

Không bao gồm: Chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; chi ngân sách cho hoạt động đào tạo; chi ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học về lĩnh vực bảo đảm xã hội.

n) Loại Tài chính và khác (ký hiệu 400)

Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động tài chính và khác như trả nợ lãi, phí và chi khác tiền vay, viện trợ, chi dự trữ quốc gia, đầu tư, cho vay của Nhà nước, bổ sung quỹ dự trữ tài chính, hỗ trợ các đơn vị cấp trên đóng trên địa bàn và các khoản chi khác ngân sách nhà nước.

o) Loại Chuyển giao, chuyển nguồn (ký hiệu 430)

Để phản ánh, hạch toán chi các khoản chuyển giao các cấp và chuyển sang năm sau như bổ sung cân đối cho ngân sách cấp dưới, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới, nộp ngân sách cấp trên, chuyển nguồn sang năm sau, hỗ trợ địa phương khác theo quy định, dự phòng ngân sách và nhiệm vụ chi khác của ngân sách.

4. Danh mục mã Loại, Khoản được quy định chi tiết tại Phụ lục số II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo “Mục và Tiểu mục”

1. Nội dung phân loại

a) Mục dùng để phân loại các khoản thu, chi ngân sách nhà nước căn cứ nội dung kinh tế theo các chính sách, chế độ thu, chi ngân sách nhà nước.

Các Mục có tính chất giống nhau theo yêu cầu quản lý được tập hợp thành Tiểu nhóm.

Các Tiểu nhóm có tính chất giống nhau theo yêu cầu quản lý được tập hợp thành Nhóm.

b) Tiểu mục là phân loại chi tiết của Mục, dùng để phân loại các khoản thu, chi ngân sách nhà nước chi tiết theo các đối tượng quản lý trong từng Mục.

2. Mã số hóa nội dung phân loại

a) Mục được mã hóa theo 4 ký tự, với các giá trị là số chẵn theo hàng chục, bao gồm Mục trong cân đối và Mục ngoài cân đối.

- Mục trong cân đối bao gồm: Mục thu, Mục chi ngân sách nhà nước và Mục chuyển nguồn giữa các năm ngân sách.

- Mục ngoài cân đối bao gồm: Mục vay và trả nợ gốc vay của ngân sách nhà nước, Mục tạm thu và Mục tạm chi.

b) Tiểu mục được mã hóa theo 4 ký tự, với các giá trị có hàng đơn vị từ 1 đến 9, trong đó giá trị 9 cuối cùng trong khoảng của Mục dùng chỉ tiểu mục khác (hạch toán khi có hướng dẫn cụ thể). Các Tiểu mục thu, chi được bố trí trong khoảng 50 giá trị liền sau của Mục thu, chi trong cân đối tương ứng. Riêng các Mục vay và trả nợ gốc vay khoảng cách là 20 giá trị.

3. Nguyên tắc hạch toán

Khi hạch toán thu, chi ngân sách nhà nước, chỉ hạch toán mã số Tiểu mục theo đúng nội dung kinh tế các khoản thu, chi ngân sách. Căn cứ mã số Tiểu mục để xác định khoản thu, chi ngân sách thuộc Mục tương ứng.

4. Danh mục mã Mục, Tiểu mục được quy định chi tiết tại Phụ lục số III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo “Chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia”

1. Nội dung phân loại

a) Chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia được phân loại dựa trên cơ sở nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước cho các chương trình, mục tiêu, dự án quốc gia và các nhiệm vụ chi cần theo dõi riêng.

b) Các nhiệm vụ chi cần được theo dõi riêng gồm cả các chương trình, dự án hỗ trợ của nhà tài trợ quốc tế và chương trình, mục tiêu, dự án của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định có thời gian thực hiện từ 5 năm trở lên, phạm vi thực hiện rộng, kinh phí lớn.

2. Mã số hóa nội dung phân loại

a) Chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia được mã số hóa theo 4 ký tự, với các giá trị là số chẵn theo hàng chục. Các chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia được chi tiết theo các tiểu chương trình, nhiệm vụ, dự án thuộc từng chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia, được mã hóa theo 4 ký tự liền sau mã số chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia.

b) Cách thức bố trí

- Đối với các chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia do Trung ương quyết định: Sử dụng các mã số có giá trị từ 0001 đến 4999; khoảng cách giữa các chương trình, mục tiêu là 20 giá trị. Riêng Chương trình khoa học trọng điểm cấp Nhà nước (Mã số 0210) có 40 giá trị. Đối với 21 Chương trình mục tiêu ban hành theo Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015; chương trình, mục tiêu xử lý chất độc da cam Dioxin; hoạt động bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ là 10 giá trị.

- Đối với các chương trình, mục tiêu do địa phương quyết định: Sử dụng các mã số có giá trị từ 5000 đến 9989; khoảng cách giữa các chương trình, mục tiêu là 10 giá trị. Đối với các địa phương có nhu cầu quản lý, hạch toán riêng các chương trình mục tiêu do địa phương quyết định ban hành: Sở Tài chính có văn bản đề xuất cụ thể (kèm theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền ban hành chương trình mục tiêu của địa phương) gửi Bộ Tài chính (Kho bạc nhà nước) để xác định mã số cụ thể và thông báo gửi địa phương thực hiện.

3. Nguyên tắc hạch toán

a) Khi hạch toán các khoản chi ngân sách nhà nước cho chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia chỉ hạch toán theo mã số các tiểu chương trình, nhiệm vụ, dự án; căn cứ mã số của các tiểu chương trình, nhiệm vụ, dự án, tổng hợp thông tin về số chi ngân sách nhà nước cho cả chương trình, mục tiêu tương ứng.

Đối với các khoản chi ngân sách nhà nước không thuộc chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia thì không hạch toán theo mã số chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia.

b) Trường hợp địa phương bố trí nguồn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia do Trung ương quyết định thì phải hạch toán theo mã số chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia do Trung ương quyết định (không hạch toán theo mã số chương trình, mục tiêu do địa phương quyết định ban hành).

4. Danh mục mã chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia được quy định chi tiết tại Phụ lục số IV ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo “Nguồn ngân sách nhà nước”

1. Nội dung phân loại

Nguồn ngân sách nhà nước là nguồn được xác định trên cơ sở dự toán được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân giao cho đơn vị dự toán (gồm cả bổ sung hoặc thu hồi trong quá trình điều hành ngân sách) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, được phân loại căn cứ nguồn gốc hình thành, bao gồm nguồn trong nước và nguồn ngoài nước, cụ thể:

a) Nguồn ngoài nước là nguồn vốn nước ngoài tài trợ theo nội dung, địa chỉ sử dụng cụ thể theo cam kết của nhà tài trợ, bên cho vay nước ngoài được ký kết với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

b) Nguồn trong nước là các nguồn vốn còn lại, bao gồm cả nguồn vốn ngoài nước tài trợ không theo nội dung, địa chỉ sử dụng cụ thể được coi là nguồn vốn trong nước và được hạch toán theo mã nguồn trong nước.

2. Mã số hóa nội dung phân loại

Nguồn ngân sách nhà nước được mã hóa theo 2 ký tự, trong đó:

- Nguồn vốn trong nước: Mã số 01

- Nguồn vốn ngoài nước: Mã số 50

Các mã chi tiết của mã nguồn vốn trong nước, mã nguồn vốn ngoài nước quy định tại chế độ kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và nghiệp vụ Kho bạc (TABMIS).

3. Nguyên tắc hạch toán

Đối với mã nguồn trong nước, hạch toán chi thường xuyên theo mã số tính chất nguồn kinh phí; chi đầu từ theo mã số nguồn vốn đầu tư. Bộ Tài chính bổ sung danh mục và hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp hạch toán chi tiết đến từng nguồn vốn đầu tư, thường xuyên trong chế độ kế toán ngân sách nhà nước.

Điều 7. Phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo “Cấp ngân sách nhà nước”

1. Nội dung phân loại

a) Cấp ngân sách được phân loại dựa trên cơ sở phân cấp quản lý ngân sách nhà nước cho từng cấp chính quyền để hạch toán các khoản thu, chi ngân sách nhà nước của từng cấp ngân sách theo quy đ̔

Bình luận

Bài viết liên quan