CHƯƠNG Y: BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC THƯƠNG MẠI
Mục X: Thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp
Điều 1: Quy định chung
1. Các bên khẳng định quyền và nghĩa vụ của mình quy định tại Điều VI của GATT 1994, Hiệp định của WTO về thực thi Điều VI của GATT 1994, và Hiệp định của WTO về trợ cấp và các biện pháp chống trợ cấp.
2. Từ việc thừa nhận rằng các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp có thể bị lạm dụng để cản trở thương mại, các Bên đồng thuận rằng:
(i) phòng vệ thương mại nên được sử dụng một cách tuân thủ đầy đủ các yêu cầu liên quan của WTO và phải dựa trên một hệ thống công bằng và minh bạch; và
(ii) nên xem xét cẩn thận các quyền lợi của Bên bị áp dụng biện pháp này.
3. Trong phạm vi Mục này, xuất xứ được xác định theo quy định tại Điều 1 của Hiệp định WTO về quy tắc xuất xứ.
Điều 2: Tính minh bạch
1. Các Bên đồng thuận rằng phòng vệ thương mại nên được sử dụng tuân thủ đầy đủ các yêu cầu liên quan của WTO và phải dựa trên một hệ thống công bằng và minh bạch.
2. Cả hai Bên đảm bảo công bố một cách đầy đủ và hiệu quả tất cả các sự kiện thiết yếu và các xem xét là cơ sở cho quyết định áp dụng biện pháp này ngay sau khi áp đặt các biện pháp tạm thời và trong mọi trường hợp trước khi có quyết định cuối cùng. Điều này không ảnh hưởng đến Điều 6.5 của Hiệp định WTO về thực thi Điều VI của GATT 1994 và Điều 12.4 của Hiệp định WTO về trợ cấp và các biện pháp chống trợ cấp. Việc công bố thông tin phải được thực hiện bằng văn bản và cho phép các bên quan tâm có đủ thời gian góp ý.
3. Mỗi bên liên quan phải được cho phép bày tỏ quan điểm của mình trong quá trình điều tra về khắc phục thương mại nếu điều này không làm trì hoãn một cách không cần thiết quá trình điều tra.
Điều 3: Xem xét lợi ích cộng đồng
Một bên không được áp dụng biện pháp chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp nếu Bên đó có thể kết luận chắc chắn rằng việc áp dụng biện pháp đó không vì lợi ích công cộng trên cơ sở các thông tin đã có sẵn trong thời gian điều tra. Lợi ích công cộng phải xét đến tình hình của ngành công nghiệp nội địa, các nhà nhập khẩu và các hiệp hội đại diện của họ, người dùng đại diện và tổ chức người tiêu dùng đại diện, trong chừng mực họ đã cung cấp thông tin liên quan cho cơ quan điều tra.
Điều 4: Quy tắc thuế thấp hơn
Khi một Bên quyết định áp thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp, Bên đó phải đảm bảo rằng số tiền thuế đó sẽ không vượt quá biên độ trợ cấp bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp, và nên thấp hơn biên độ nếu mức thuế thấp hơn này sẽ đủ để loại trừ thiệt hại cho ngành công nghiệp trong nước.
Điều 5: Miễn hòa giải và cơ chế giải quyết tranh chấp song phương
Các quy định của Mục này không phụ thuộc vào quy định về hòa giải và giải quyết tranh chấp của Hiệp định này.
MỤC XX: CÁC BIỆN PHÁP TỰ VỆ TOÀN CẦU
Điều 1: Quy định chung
1. Mỗi Bên duy trì quyền và nghĩa vụ của mình theo Điều XIX của GATT 1994, Hiệp định của WTO về các biện pháp tự vệ và Điều 5 của Hiệp định WTO về Nông nghiệp.
2. Không Bên nào được áp dụng cùng lúc các biện pháp sau đối với cùng một mặt hàng:
(i) một biện pháp tự vệ song phương theo Mục XY của Hiệp định này; và
(ii) một biện pháp theo Điều XIX của GATT 1994 và Hiệp định Tự vệ;
3. Trong phạm vi Mục này, xuất xứ được xác định theo quy định tại Điều 1 của Hiệp định WTO về quy tắc xuất xứ.
Điều 2: Tính minh bạch
1. Bất kể quy định tại Điều 1, theo yêu cầu của Bên kia và với điều kiện Bên kia có đủ quan tâm, một khi một cuộc điều tra tự vệ toàn cầu đã được tiến hành, Bên tiến hành điều tra tự vệ hoặc có ý định áp dụng biện pháp tự vệ phải cung cấp ngay lập tức thông báo đột xuất bằng văn bản về tất cả các thông tin cần thiết dẫn đến việc tiến hành cuộc điều tra tự vệ toàn cầu và, tùy trường hợp, đề nghị áp dụng các biện pháp tự vệ toàn cầu bao gồm những kết quả tạm thời có liên quan. Điều này không ảnh hưởng đến Điều 3.2 của Hiệp định WTO về Các biện pháp tự vệ.
2. Khi áp dụng biện pháp tự vệ, các Bên phải nỗ lực để biện pháp đó ít ảnh hưởng đến thương mại song phương nhất.
3. Trong phạm vi khoản 2, nếu một Bên cho rằng các yêu cầu pháp lý được đáp ứng cho việc áp dụng các biện pháp tự vệ, Bên có ý định áp dụng biện pháp phải thông báo cho Bên kia và đưa ra các khả năng để tổ chức tham vấn song phương. Nếu không có giải pháp thỏa đáng đã đạt được trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo, Bên nhập khẩu có thể áp dụng các biện pháp tự vệ. Khả năng tham vấn cũng cần được cung cấp cho Bên kia để trao đổi quan điểm về các thông tin nêu tại khoản 1.
Điều 3: Loại bỏ trung gian và cơ chế giải quyết tranh chấp song phương
Các quy định của Mục này về quyền và nghĩa vụ theo WTO không phụ thuộc vào quy định về hòa giải và giải quyết tranh chấp của Hiệp định này.
MỤC XY: ĐIỀU KHOẢN TỰ VỆ SONG PHƯƠNG
Điều 1
Áp dụng biện pháp tự vệ song phương
1. Nếu, việc giảm hoặc xóa bỏ một loại thuế quan theo Hiệp định này dẫn đến việc tăng số lượng hàng hóa có xuất xứ tại lãnh thổ của một Bên đang được nhập khẩu vào lãnh thổ của Bên kia, trong điều kiện tuyệt đối hoặc tương đối so với sản xuất trong nước, gây ra hoặc có nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước sản xuất ra hàng hoá tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp, Bên nhập khẩu có thể áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 2 phù hợp với các điều kiện và thủ tục quy định trong Mục này trong giai đoạn chuyển tiếp, trừ trường hợp có quy định khác theo Điều 2.5. (c) của mục này.
2. Bên nhập khẩu có thể thực hiện một biện pháp tự vệ song phương trong đó:
(a) tạm ngưng giảm thêm thuế quan đối với mặt hàng liên quan quy định tại Hiệp định này; hoặc
(b) tăng thuế quan đối với mặt hàng đó nhưng không được vượt quá mức nào trong các mức sau:
(i) thuế suất tối huệ quốc áp dụng đối với mặt hàng có hiệu lực tại thời điểm mà biện pháp được áp dụng; hoặc
(ii) thuế suất cơ bản quy định tại các Biểu cam kế thuộc Phụ lục XX (Biểu cam kết Cắt giảm/xóa bỏ) theo Điều XX (giảm và/hoặc xóa bỏ thuế hải quan đối với hàng nhập khẩu).
Điều 2
Điều kiện và giới hạn
1. Một Bên phải thông báo cho Bên kia bằng văn bản về việc tiến hành một cuộc điều tra được mô tả trong khoản 2 và tham khảo ý kiến với Bên khác trước khi áp dụng biện pháp tự vệ song phương càng sớm càng tốt nhằm xem xét các thông tin phát sinh từ quá trình điều tra và trao đổi quan điểm về biện pháp.
2. Một Bên chỉ được áp dụng một biện pháp tự vệ song phương sau một cuộc điều tra do cơ quan có thẩm quyền của Bên mình thực hiện theo Điều 3 và Điều 4.2 (c) của Hiệp định Tự vệ thuộc Phụ lục 1A của Hiệp định WTO (sau đây gọi là "Hiệp định Tự vệ"). Với mục đích này, Điều 3 và Điều 4.2(c) của Hiệp định Tự vệ được đưa vào vào và trở thành một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi.
3. Trong quá trình điều tra nêu trong khoản 1, Bên đó phải thực hiện theo các yêu cầu của Điều 4.2(a) của Hiệp định Tự vệ. Với mục đích này, Điều 4.2(a) của Hiệp định Tự vệ được đưa vào và trở thành một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi.
4. Mỗi Bên bảo đảm rằng các cơ quan có thẩm quyền của mình hoàn thành cuộc điều tra trong vòng một năm kể từ ngày tiến hành.
5. Không bên nào được áp dụng một biện pháp tự vệ song phương:
(a) trừ trường hợp cần áp dụng trong một khoảng thời gian cần thiết để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và tạo điều kiện cho việc điều chỉnh;
(b) trong một khoảng thời gian hơn hai năm, trừ trường hợp khoảng thời gian có thể được gia hạn thêm tối đa hai năm nếu, theo các thủ tục quy định tại Điều này, các cơ quan có thẩm quyền của Bên nhập khẩu xác định rằng biện pháp này vẫn cần thiết để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và tạo điều kiện điều chỉnh, và có bằng chứng cho thấy ngành công nghiệp đang được điều chỉnh, với điều kiện tổng thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ, bao gồm cả thời gian áp dụng ban đầu và thời gian gia hạn không quá bốn năm; hoặc
(c) quá thời gian chuyển tiếp, trừ trường hợp có sự đồng ý của Bên kia.
6. Nhằm tạo điều kiện cho việc điều chỉnh trong trường hợp thời hạn dự kiến của một biện pháp tự vệ kéo dài trên hai năm, Bên áp dụng biện pháp phải dần dần nới lỏng biện pháp theo từng giai đoạn trong thời gian áp dụng.
7. Khi một Bên chấm dứt biện một pháp tự vệ song phương, thuế suất hải quan là mức lẽ ra được áp dụng theo Biểu cam kết của mình trong Phụ lục XX (Biểu cam kết cắt giảm/xóa bỏ) nếu không áp dụng biện pháp tự vệ.
Điều 3
Các biện pháp tạm thời
Trong trường hợp nghiêm trọng mà sự chậm trễ có thể gây ra thiệt hại khó khắc phục, một Bên có thể áp dụng biện pháp tự vệ song phương trên cơ sở một quyết định sơ bộ rằng có bằng chứng rõ ràng về việc nhập khẩu hàng hoá có xuất xứ từ Bên kia đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc có nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành công nghiệp trong nước do ảnh hưởng của việc giảm hoặc xóa bỏ một loại thuế hải quan theo Hiệp định này. Thời hạn của biện pháp tạm thời không được vượt quá 200 ngày. Trong khoảng thời gian này, Bên đó phải tuân thủ các yêu cầu của Điều 2.2 và 2.3. Bên đó phải kịp thời hoàn trả các khoản thuế quan tăng thêm nếu kết quả điều tra được mô tả trong Điều 2.2 cho thấy các yêu cầu của Điều 1.1 không được đáp ứng. Thời hạn của biện pháp tạm thời sẽ được tính là một phần của thời hạn quy định tại Điều 2.5 (b).
Điều 4
Đền bù
1. Bên áp dụng biện pháp tự vệ song phương phải tham vấn với Bên kia nhằm đạt được một thỏa thuận về mức bồi thường tự do hóa thương mại thỏa đáng dưới hình thức thuế suất ưu đãi có các tác động thương mại tương đương với giá trị của các khoản thuế bổ sung được cho là kết quả của biện pháp tự vệ. Bên đó phải sẵn sàng tham vấn trong vòng 30 ngày kể từ ngày áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp.
2. Nếu các cuộc tham vấn theo khoản 1 không đem lại một thỏa thuận về bồi thường tự do hóa thương mại trong vòng 30 ngày, Bên có hàng hóa bị áp dụng biện pháp tự vệ có quyền đình chỉ áp dụng thuế suất ưu đãi tương đương đối với hàng hóa có xuất xứ của Bên áp dụng biện pháp tự vệ có các tác động thương mại tương đương với biện pháp tự vệ. Nghĩa vụ bồi thường của Bên áp dụng biện pháp và quyền đình chỉ áp dụng thuế suất ưu đãi theo khoản này của Bên kia chấm dứt vào ngày kết thúc áp dụng biện pháp tự vệ.
3. Không được thực hiện quyền đình chỉ nêu tại khoản 2 trong 24 tháng đầu tiên biện pháp tự vệ song phương có hiệu lực, với điều kiện biện pháp tự vệ phù hợp với các quy định của Hiệp định này.
Điều 5
Giải thích từ ngữ
Trong phạm vi của Mục này:
ngành công nghiệp trong nước được định nghĩa tại Điều 4.1 (c) của Hiệp định Tự vệ. Với mục đích này, Điều 4.1 (c) được đưa vào và trở thành một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi;
thiệt hại nghiêm trọng và nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng được định nghĩa tại Điều 4.1(a) và (b) của Hiệp định Tự vệ. Với mục đích này, Điều 4.1(a) và b được đưa vào và trở thành một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi; và
giai đoạn chuyển tiếp là khoảng thời gian 10 năm kể từ ngày có hiệu lực của Hiệp định này.
Điều 6
Sử dụng tiếng Anh
Để đảm bảo hiệu quả tối đa cho việc áp dụng các nguyên tắc vệ thương mại theo các Mục, cơ quan điều tra của các Bên phải sử dụng tiếng Anh trong thông tin liên lạc và các tài liệu trao đổi về điều tra biện pháp khắc phục thương mại giữa các Bên.
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ NHẤT VIỆT
Địa chỉ: P.503, CT5D, KĐT Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội
ĐT: 0473 002 333
Email: contact@taichinhnhatviet.com.vn
Website: taichinhnhatviet.com.vn