TAFI

Văn bản pháp luật

Bản tiếng Việt Hiệp định EVFTA: Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại

CHƯƠNG …

HÀNG RÀO KỸ THUẬT ĐỐI VỚI THƯƠNG MẠI

Điều 1: Tái khẳng định Hiệp định WTO về Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại

1. Các Bên khẳng định quyền và nghĩa vụ hiện tại của mình đối với nhau theo Hiệp định của WTO về hàng rào kỹ thuật thương mại (sau đây gọi là "Hiệp định HRKTTM") được đưa vào và trở thành một phần của Hiệp định này.

Điều 2: Mục tiêu

1. Mục tiêu của Chương này, bao gồm các Phụ lục, là tạo thuận lợi và tăng cường thương mại hàng hóa song phương, xác định và loại bỏ các rào cản không cần thiết đối với thương mại trong phạm vi Hiệp định HRKTTM, và đẩy mạnh hợp tác giữa các Bên.

2. Các Bên cam kết thiết lập và tăng cường năng lực kỹ thuật và cơ sở hạ tầng thể chế về các vấn đề liên quan đến HRKTTM.

Điều 3: Phạm vi áp dụng và giải thích từ ngữ

1. Chương này áp dụng cho việc chuẩn bị, thông qua và áp dụng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, và quy trình đánh giá hợp quy được quy định trong Hiệp định HRKTTM có thể ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa giữa các Bên, trừ các trường hợp sau:

 (a) thông số kỹ thuật do các cơ quan chính phủ cung cấp phục vụ các yêu cầu sản xuất hoặc tiêu thụ của các cơ quan đó; hoặc

 (b) Các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch theo quy định tại Phụ lục A của Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (sau đây gọi là "Hiệp định VSKD").

2. Mỗi Bên có quyền soạn thảo, thông qua và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, và quy trình đánh giá hợp quy tuân thủ Chương này và Hiệp định HRKTTM.

3. Trong phạm vi Chương này, các định nghĩa trong Phụ lục 1 của Hiệp định HRKTTM được áp dụng.

Điều 4: Quy chuẩn kỹ thuật

1. Các Bên đồng ý tận dụng tối đa thông lệ quản lý tốt theo quy định trong Hiệp định HRKTTM và Chương này. Cụ thể như sau:

 (a) đánh giá các giải pháp thay thế ràng buộc và không ràng buộc hiện có cho quy chuẩn kỹ thuật đã đề xuất có thể thực hiện đạt được mục tiêu chính đáng của Bên đó, phù hợp với Điều 2.2 của Hiệp định HRKTTM; và nỗ lực đánh giá, tác động của các quy chuẩn kỹ thuật được đề ra dưới các hình thức đánh giá tác động quản lý theo đề nghị của Ủy ban HRKTTM, và các vấn đề khác;

 (b) sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan, chẳng hạn những tiêu chuẩn do ISO, IEC, ITU, Ủy ban Codex Alimentarius xây dựng, làm cơ sở cho các quy chuẩn kỹ thuật của mình, trừ trường hợp các tiêu chuẩn quốc tế này sẽ là một phương tiện không hiệu quả hoặc không phù hợp cho việc thực hiện các mục tiêu chính đáng; và khi tiêu chuẩn quốc tế đã không được sử dụng như một cơ sở theo yêu cầu của Bên kia để xác định độ lệch đáng kể từ tiêu chuẩn quốc tế có liên quan và để giải thích lý do tại sao các tiêu chuẩn đó được coi là không phù hợp hoặc không hiệu quả cho mục đích đang hướng đến;

 (c) không ảnh hưởng đến Điều 2.3. của Hiệp định HRKTTM, rà soát quy chuẩn kỹ thuật nhằm tăng mức độ hội tụ của mình với các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan. Khi thực hiện đánh giá, các Bên phải xem xét những điểm mới trong các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan và liệu những trường hợp tạo ra khác biệt so với một tiêu chuẩn quốc tế có liên quan có còn tồn tại hay không, và những vấn đề khác;

 (d) xác định quy chuẩn kỹ thuật dựa trên các yêu cầu hiệu suất sản phẩm thay vì thiết kế hoặc mô tả đặc điểm.

2. Các Bên cần tích cực xem xét để công nhận tương đương quy chuẩn kỹ thuật của một Bên khác, ngay cả khi những quy định này bản thân chúng cũng khác nhau theo quy định tại Điều 2.7 của Hiệp định HRKTTM, với điều kiện các quy định này thực hiện đầy đủ các mục tiêu của chúng.

3. Khi một bên (bên X) đã chuẩn bị một quy chuẩn kỹ thuật bên đó cho là tương đương với quy chuẩn kỹ thuật của bên kia (bên Y) có mục tiêu và phạm vi sản phẩm tương đương, bên X có quyền yêu cầu bên Y bằng văn bản công nhận tương đương quy chuẩn kỹ thuật đó. Yêu cầu phải được lập thành văn bản và nêu rõ lý do cụ thể tại sao các quy chuẩn kỹ thuật phải được coi là tương đương, trong đó có lý do liên quan đến phạm vi sản phẩm. Bên không đồng ý rằng các quy chuẩn kỹ thuật là tương đương có trách nhiệm giải thích cho Bên kia lý do cho quyết định của mình theo yêu cầu.

Điều 5: Tiêu chuẩn

1. Các Bên khẳng định lại nghĩa vụ của mình theo Điều 4.1 của Hiệp định HRKTTM để đảm bảo rằng cơ quan tiêu chuẩn hóa của mình chấp nhận và tuân thủ Quy chế thực hành tốt cho việc chuẩn bị và áp dụng các tiêu chuẩn trong Phụ lục 3 của Hiệp định HRKTTM, và cũng có xét đến các nguyên tắc quy định tại Quyết định và khuyến nghị do Ủy ban thông qua từ ngày 01 tháng 01 năm 1995, G/TBT/1/rev.12, , 21 tháng 01 năm 2015, Phụ lục Phần I (Quyết định của Ủy ban về các nguyên tắc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, Hướng dẫn và kiến ​​nghị có liên quan đến các Điều 2, 5 và Phụ lục 3 của Hiệp định) trong phiên bản mới nhất, do ủy ban WTO về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại ban hành.

2. Với mục đích hài hòa hóa các tiêu chuẩn đến mức có thể, các Bên khuyến khích các cơ quan tiêu chuẩn hóa của mình cũng như các cơ quan tiêu chuẩn hoá khu vực mà nước mình hoặc cơ quan tiêu chuẩn của mình là thành viên:

 (a) tham gia vào việc soạn thảo các tiêu chuẩn quốc tế do các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế có liên quan ban hành trong giới hạn nguồn lực của mình;

 (b) sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan làm cơ sở cho các tiêu chuẩn mình xây dựng, trừ trường hợp các tiêu chuẩn quốc tế đó không hiệu quả hoặc không phù hợp, ví dụ vì mức độ bảo vệ không đủ hoặc do các yếu tố khí hậu và địa lý cơ bản hoặc các vấn đề công nghệ cơ bản;

 (c) tránh trùng lặp, chồng chéo với các công việc của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc tế;

 (d) xem xét các tiêu chuẩn quốc gia và khu vực không dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan một cách định kỳ nhằm gia tăng hội tụ của mình với các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan;

 (e) hợp tác với các cơ quan tiêu chuẩn hóa có liên quan của Bên kia trong các hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế. Việc hợp tác có thể được thực hiện ở các cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc tế hoặc ở cấp độ khu vực.

3. Các Bên cam kết trao đổi thông tin về:

 (a) việc sử dụng các tiêu chuẩn trong việc hỗ trợ các quy chuẩn kỹ thuật;

 (b) các quy trình tiêu chuẩn hóa của nhau, và mức độ sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực hoặc tiểu khu vực như một cơ sở cho các tiêu chuẩn quốc gia của mình.

 (c) các thỏa thuận hợp tác được thực hiện bởi một trong các Bên về tiêu chuẩn hóa để làm ví dụ cho các vấn đề tiêu chuẩn hóa trong các hiệp định quốc tế với các bên thứ ba, miễn là điều này không bị cấm trong các thỏa thuận đó.

4. Các Bên thừa nhận rằng các tiêu chuẩn là tự nguyện theo Phụ lục 1 của Hiệp định HRKTTM. Trường hợp các tiêu chuẩn có tính bắt buộc, các nghĩa vụ minh bạch quy định tại Điều 7 phải được thực hiện thông qua tiếp thu hoặc tham khảo trong một dự thảo quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy trình đánh giá hợp quy.

Điều 6: Thủ tục đánh giá hợp quy

1. Nguyên tắc, quy định và thủ tục đối với việc xây dựng, thông qua và áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quy định tại Điều 4.1., với những sửa đổi, nhằm tránh những trở ngại không cần thiết đối với thương mại và đảm bảo tính minh bạch và không phân biệt đối xử cũng được áp dụng đối với các thủ tục đánh giá hợp quy bắt buộc.

2. Theo quy định tại Điều 5.1.2. của Hiệp định HRKTTM, khi một Bên yêu cầu đảm bảo tích cực về sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật của mình, Bên đó phải yêu cầu quy trình đánh giá hợp quy không nghiêm ngặt hơn hoặc được áp dụng nghiêm ngặt hơn cần thiết để Bên nhập khẩu yên tâm rằng các sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn được áp dụng, có tính đến những rủi ro có thể xảy ra nếu không phù hợp.

3. Các Bên thừa nhận rằng có một loạt các cơ chế tồn tại để tạo thuận lợi cho việc chấp nhận kết quả của các thủ tục đánh giá hợp quy được tiến hành trong lãnh thổ của Bên kia, bao gồm:

 (a) việc Bên nhập khẩu dựa vào tuyên bố hợp quy của nhà cung cấp;

 (b) các thỏa thuận về chấp nhận lẫn nhau về kết quả của quy trình đánh giá hợp quy đối với quy chuẩn kỹ thuật cụ thể do cơ quan nằm trên lãnh thổ của Bên kia tiến hành;

 (c) việc áp dụng chứng nhận để chọn lọc các tổ chức đánh giá hợp quy nằm trong lãnh thổ của một trong các Bên;

 (d) việc chính phủ chỉ định tổ chức đánh giá hợp quy, bao gồm các tổ chức nằm trong lãnh thổ của Bên kia;

 (e) việc đơn phương công nhận kết quả của quy trình đánh giá hợp quy được thực hiện trong lãnh thổ của Bên kia;

 (f) các thoả thuận tự nguyện giữa các tổ chức đánh giá hợp quy tại lãnh thổ của mỗi Bên;

 (g) việc sử dụng các thoả thuận thừa nhận đa phương, khu vực và quốc tế và các thỏa thuận mà các Bên là thành viên.

4. Đối với các vấn đề này, các thành viên cam kết:

 (a) tăng cường trao đổi thông tin về những cơ chế này và các cơ chế tương tự nhằm tạo thuận lợi cho việc chấp nhận kết quả đánh giá hợp quy;

 (b) trao đổi thông tin về quy trình đánh giá hợp quy, và đặc biệt là trên các tiêu chí lựa chọn thủ tục đánh giá hợp quy đối với các sản phẩm cụ thể;

 (c) xem xét tuyên bố hợp quy của nhà cung cấp như đảm bảo về sự phù hợp giữa các tùy chọn về cách thể hiện tính phù hợp với pháp luật trong nước;

 (d) xem xét các thỏa thuận về sự thừa nhận lẫn nhau về kết quả của quy trình đánh giá hợp quy theo các thủ tục quy định tại khoản 5 Điều này;

 (e) trao đổi thông tin về chính sách công nhận và xem xét làm thế nào để tận dụng tốt nhất các tiêu chuẩn quốc tế về công nhận và điều ước quốc tế liên quan đến cơ quan công nhận của các Bên, ví dụ, thông qua các cơ chế của quốc tế của ILAC và IAF;

 (f) xem xét tham gia hoặc, nếu có thể, khuyến khích các cơ quan thử nghiệm, thanh tra và chứng nhận của mình tham gia các hiệp định hoặc thoả thuận quốc tế đang có hiệu lực về hài hòa và/hoặc tạo thuận lợi cho việc chấp nhận kết quả đánh giá hợp quy;

 (g) đảm bảo doanh nghiệp có quyền lựa chọn trong số các cơ sở đánh giá hợp quy do các cơ quan chức năng chỉ định để thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của pháp luật để đảm bảo tính tuân thủ;

 (h) nỗ lực áp dụng chứng nhận để chọn lọc các tổ chức đánh giá hợp quy;

 (i) đảm bảo rằng có sự độc lập và không có xung đột lợi ích giữa các cơ quan công nhận và tổ chức đánh giá hợp quy;

5. Theo yêu cầu của một Bên, các Bên có thể quyết định tham gia tham vấn nhằm xác định giải pháp ngành liên quan đến việc sử dụng các thủ tục đánh giá hợp quy hoặc tạo thuận lợi cho việc chấp nhận kết quả đánh giá hợp quy là phù hợp cho các lĩnh vực tương ứng. Bên đưa ra yêu cầu phải dùng các thông tin liên quan để chứng minh giải pháp này sẽ tạo thuận lợi cho thương mại. Trường hợp một Bên từ chối yêu cầu của Bên kia thì phải giải thích lý do.

6. Các Bên tái khẳng định nghĩa vụ của mình theo Điều 5.2.5 của Hiệp định HRKTTM rằng lệ phí đánh giá hợp quy bắt buộc đối với sản phẩm nhập khẩu tương đương với các khoản phí đánh giá hợp quy của sản phẩm tương tự trong nước hoặc có xuất xứ từ một quốc gia khác, có tính đến chi phí liên lạc, vận chuyển và các chi phí khác phát sinh từ sự khác biệt về vị trí của các cơ sở của người nộp đơn và các tổ chức đánh giá hợp quy.

Điều 7: Tính minh bạch

Các Bên thừa nhận tầm quan trọng của tính minh bạch trong quá trình soạn thảo, thông qua và áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, và quy trình đánh giá hợp quy. Vì vậy, các Bên tái khẳng định nghĩa vụ minh bạch của mình theo Hiệp định HRKTTM, và đồng ý:

 (a) xem xét quan điểm của Bên kia khi một phần của quá trình xây dựng một quy chuẩn kỹ thuật được công khai để tiếp nhận tham vấn từ công chúng và theo yêu cầu nhằm trả lời bằng văn bản một cách kịp thời để các ý kiến ​​của Bên kia;

 (b) đảm bảo doanh nghiệp và những người quan tâm khác của Bên kia được tham gia vào các quá trình tham vấn cộng đồng chính thức liên quan đến việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về các điều kiện không kém thuận lợi hơn những điều kiện đối với các pháp nhân hoặc thể nhân của mình;

 (c) tiếp theo điều 4.1(a), trong trường hợp đánh giá tác động được thực hiện, thông báo cho Bên kia theo yêu cầu về kết quả của việc đánh giá tác động của các quy chuẩn kỹ thuật được đề xuất;

 (d) khi thông báo theo quy định tại Điều 2.9.2 hoặc 5.6.2 của Hiệp định HRKTTM:

 (i) cho phép về nguyên tắc ít nhất là 60 ngày sau khi thông báo để Bên kia để góp ý ​​bằng văn bản; nếu có thể, xem xét các yêu cầu gia hạn thời gian góp ý hợp lý;

 (ii) cung cấp phiên bản điện tử của văn bản thông báo cùng với thông báo;

 (iii) cung cấp một mô tả chi tiết và đầy đủ về nội dung của biện pháp dưới dạng thông báo trong trường hợp văn bản thông báo không sử dụng một trong những ngôn ngữ chính thức của WTO;

 (iv) trả lời bằng văn bản cho góp ý ​​bằng văn bản nhận được từ Bên kia về đề xuất không muộn hơn ngày công bố quy chuẩn kỹ thuật hoặc thủ tục đánh giá hợp quy chính thức;

 (v) cung cấp thông tin về việc thông qua và thời điểm có hiệu lực của biện pháp được thông báo và các văn bản chính thức được thông qua dưới hình thức một phụ lục của thông báo ban đầu.

 (e) đảm bảo đủ thời gian giữa thời điểm công bố các quy chuẩn kỹ thuật và thời điểm chúng có hiệu lực để doanh nghiệp của Bên kia thích ứng, trừ trường hợp có phát sinh hoặc có nguy cơ phát sinh vấn đề khẩn cấp về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia;

 (f) đảm bảo rằng tất cả quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá hợp quy bắt buộc được thông qua và có hiệu lực đều được công bố công khai và miễn phí trên các trang web chính thức;

 (g) đảm bảo đầu mối hỏi đáp về HRKTTM cung cấp thông tin và trả lời bằng một trong những ngôn ngữ chính thức của WTO đối với yêu cầu hợp lý từ Bên kia hoặc từ các bên liên quan của Bên kia về các quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá hợp quy và tiêu chuẩn được thông qua.

Điều 9: Giám sát thị trường

Các Bên cam kết:

 (a) trao đổi quan điểm về giám sát thị trường và các hoạt động thực thi pháp luật;

 (b) đảm bảo việc giám sát thị trường do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện, và đảm bảo không có tồn tại xung đột lợi ích giữa các chức năng giám sát thị trường và chức năng đánh giá hợp quy;

 (c) đảm bảo không có xung đột lợi ích giữa các cơ quan giám sát thị trường và các doanh nghiệp chịu sự kiểm soát hay giám sát.

Điều 10: Tiếp thị và ghi nhãn

1. Các Bên thấy rằng một quy chuẩn kỹ thuật có thể bao gồm hoặc chỉ có quy định về yêu cầu ghi ký hiệu hoặc ghi nhãn, và thống nhất rằng khi các quy chuẩn kỹ thuật của mình có quy định bắt buộc về ghi ký hiệu hoặc dán nhãn, Bên đó sẽ thực hiện các nguyên tắc tại Điều 2.2 của Hiệp định HRKTTM, và các quy định kỹ thuật không nên tạo ra những trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế, và không nên tạo ra hạn chế thương mại nhiều hơn mức cần thiết để đạt được một mục tiêu chính đáng.

2. Cụ thể, các Bên đồng thuận rằng nếu một Bên yêu cầu bắt buộc ghi ký hiệu hoặc ghi nhãn sản phẩm thì:

 (a) Bên đó chỉ được yêu cầu những thông tin phù hợp với người tiêu dùng hoặc người sử dụng của sản phẩm và/hoặc để chỉ ra sự phù hợp của sản phẩm với các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc;

 (b) trừ trường hợp cần thiết liên quan đến rủi ro của sản phẩm đối với tính mạng hoặc sức khỏe con người, động vật hoặc thực vật, môi trường và an ninh quốc gia, Bên đó không được đòi hỏi phải có chấp thuận trước, đăng ký trước hoặc chứng nhận trước các nhãn và ký hiệu của sản phẩm như một điều kiện để đưa ra thị trường của mình sản phẩm vốn đã tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc của Bên đó. Quy định này không làm phương hại đến quyền của một Bên trong việc đòi hỏi chấp thuận trước các thông tin cụ thể sẽ được ghi trên nhãn hoặc ký hiệu theo quy định trong nước có liên quan;

 (c) trường hợp Bên yêu cầu sử dụng mã số nhận dạng cho doanh nghiệp, Bên đó phải cấp ngay mã số cho doanh nghiệp của Bên kia trên cơ sở không phân biệt đối xử;

 (d) với điều kiện thông tin do Bên nhập khẩu hàng hoá yêu cầu không gây nhầm lẫn hoặc mâu thuẫn, Bên đó phải cho phép các điều sau đây:

i.          thông tin bằng các ngôn ngữ khác ngoài ngôn ngữ do Bên nhập khẩu hàng hoá yêu cầu;

ii.          danh pháp, chữ tượng hình, biểu tượng hoặc hình ảnh đồ họa được quốc tế chấp nhận;

iii.         thông tin bổ sung cho thông tin do Bên nhập khẩu hàng hoá yêu cầu;

(e) Bên đó phải chấp nhận rằng việc ghi nhãn, bao gồm ghi nhãn bổ sung và/hoặc điều chỉnh phải được tiến hành trong các cơ sở được ủy quyền (ví dụ: trong kho hải quan hoặc kho ngoại quan được cấp phép tại thời điểm nhập khẩu) trong lãnh thổ Bên nhập khẩu trước khi phân phối và bán. Bên đó có quyền yêu cầu giữ nguyên nhãn gốc;

 (f) trong trường hợp xét thấy mục tiêu chính đáng theo Hiệp định HRKTTM không vì vậy mà bị tổn hại, Bên đó phải nỗ lực chấp nhận nhãn không cố định hoặc có thể tháo rời, hoặc cho phép ghi ký hiệu hoặc ghi nhãn trong tài liệu kèm theo thay vì phải gắn liền với sản phẩm.

Điều 11: Tạo thuận lợi cho thương mại và hợp tác

1. Các Bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá hợp quy nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về các hệ thống của mình và thúc đẩy thương mại giữa các Bên. Với mục đích này, các Bên có thể tổ chức đối thoại pháp lý ở cả cấp độ ngang hàng và trong ngành.

2. Các Bên tìm cách xác định, phát triển và thúc đẩy thương mại tạo điều kiện cho các hoạt động ​​song phương liên quan đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá hợp quy phù hợp cho các vấn đề hay lĩnh vực cụ thể. Những hoạt động ​​này có thể bao gồm:

 (a) đẩy mạnh thực hành quản lý tốt thông qua hợp tác trong quản lý, bao gồm cả việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm và dữ liệu với mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá hợp quy của mình, và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên quản lý;

 (b) sử dụng một phương pháp đánh giá hợp quy dựa trên rủi ro (ví dụ, dựa trên tuyên bố hợp quy của nhà cung cấp về các sản phẩm có nguy cơ thấp) và giảm sự phức tạp của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá hợp quy, nếu phù hợp;

 (c) tăng tính hội tụ của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, và thủ tục đánh giá hợp quy với các hướng dẫn, khuyến nghị, hoặc tiêu chuẩn quốc tế;

 (d) tránh sự khác biệt không cần thiết trong phương pháp của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá hợp quy trong trường hợp không có hướng dẫn, khuyến nghị, hoặc tiêu chuẩn quốc tế;

 (e) thúc đẩy và tăng cường hợp tác giữa các tổ chức chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn hóa, đánh giá hợp quy và đo lường của các Bên, cả công và tư;

 (f) đảm bảo sự tương tác và hợp tác có hiệu quả của các cơ quan quản lý ở cấp khu vực hoặc quốc tế;

 (g) trao đổi thông tin trong chừng mực có thể về các Hiệp định HRKTTM liên quan đến các hiệp định ở cấp quốc tế.

3. Khi có yêu cầu, một Bên phải xem xét cặn kẽ đề xuất của Bên kia về hợp tác theo các điều khoản của Chương này. Sự hợp tác này được thực hiện kể cả thông qua đối thoại theo các kênh thích hợp, dự án chung, hỗ trợ kỹ thuật và các chương trình xây dựng năng lực về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá hợp quy tại các khu công nghiệp được lựa chọn như đã thoả thuận.

Điều 12: Tham vấn

1. Các Bên xem xét nhanh chóng và tích cực mọi yêu cầu tham vấn của một Bên khác về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Chương này.

2. Để làm rõ hoặc giải quyết các vấn đề này, các Bên liên quan có thể thành lập một tổ công tác đột xuất nhằm xác định một giải pháp khả thi và thực tiễn để tạo thuận lợi cho thương mại. Một tổ công tác đột xuất gồm đại diện của các Bên liên quan.

Điều 13: Thực hiện

1. Các Bên sẽ chỉ định một đầu mối liên lạc trong Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban châu Âu. Các Bên sẽ cung cấp cho Bên kia tên và các thông tin liên lạc chi tiết của các công chức có liên quan trong tổ chức đó, bao gồm cả thông tin về điện thoại, fax, e-mail và các chi tiết khác có liên quan.

2. Một Bên phải kịp thời thông báo cho Bên kia mọi thay đổi của đầu mối liên lạc của mình hoặc thay đổi về thông tin của các công chức liên quan.

3. Các chức năng đầu mối liên lạc bao gồm:

 (a) giám sát việc thực hiện và quản lý Chương này;

 (b) tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác khi thích hợp theo quy định tại Điều 11;

 (c) xem xét ngay các vấn đề do một Bên nêu ra về quá trình soạn thảo, thông qua và áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, và quy trình đánh giá hợp quy.

 (d) tham vấn về các vấn đề phát sinh theo Chương này theo yêu cầu của một Bên;

 (e) thực hiện các hoạt động khác mà các Bên cho rằng có thể hỗ trợ mình trong việc thực hiện Chương này;

 (f) thực hiện các chức năng khác có thể được ủy quyền của Ủy ban Thương mại Hàng hóa.

4. Những đầu mối hỏi đáp WTO về HRKTTM tương ứng sẽ thực hiện các chức năng sau theo Chương này:

 (a) tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin giữa các Bên về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá hợp quy để đáp ứng tất cả các yêu cầu cung cấp thông tin hợp lý từ một Bên;

 (b) chuyển các câu hỏi của một Bên đến các cơ quan quản lý thích hợp.

 

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ NHẤT VIỆT

Địa chỉ: P.503, CT5D, KĐT Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội

ĐT: 0473 002 333

Email: contact@taichinhnhatviet.com.vn

Website: taichinhnhatviet.com.vn

Bình luận

Bài viết liên quan