TAFI

Văn bản pháp luật

Bản tiếng Việt Hiệp định EVFTA: Lời nói đầu và Chương 1

HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO

GIỮA LIÊN MINH CHÂU ÂU VÀ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Liên Minh Châu Âu, sau đây gọi là "Liên Minh", và

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, sau đây gọi là "Việt Nam";

Thừa nhận quan hệ đối tác mạnh mẽ và lâu dài giữa hai bên dựa trên các nguyên tắc và giá trị chung được phản ánh trong Hiệp định quan hệ đối tác và hợp tác và mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư quan trọng giữa hai bên;

Mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ của hai bên như là một phần của với các mối quan hệ tổng thể của họ, và tin chắc rằng Hiệp định này sẽ tạo ra một không khí mới cho sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa các Bên;

Thừa nhận rằng Hiệp định này sẽ bổ sung và thúc đẩy các nỗ lực hội nhập kinh tế khu vực;

Quyết tâm tăng cường các mối quan hệ đầu tư, kinh tế, thương mại của mình phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững, trong khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường, và để thúc đẩy thương mại và đầu tư theo Hiệp định này có chú trọng ở mức độ cao việc bảo vệ môi trường, bảo hộ lao động, và các tiêu chuẩn và thỏa thuận có liên quan được quốc tế công nhận;

Mong muốn nâng cao mức sống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế, tạo ra cơ hội việc làm mới cũng như cải thiện phúc lợi chung và, với mục đích này, tái khẳng định cam kết thúc đẩy thương mại và tự do hóa đầu tư;

Tin tưởng rằng Hiệp định này sẽ tạo ra một thị trường rộng mở và an toàn cho hàng hóa và dịch vụ và một môi trường ổn định và dự đoán được để đầu tư, từ đó đem lại cơ hội nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty sở tại trên thị trường toàn cầu;

Tái khẳng định cam kết của mình với Hiến chương Liên Hợp Quốc ký tại San Francisco vào ngày 26 tháng 6 năm 1945 và có liên quan đến các nguyên tắc nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền thông qua tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về ngày 10 tháng 12 năm 1948;

Thừa nhận tầm quan trọng của tính minh bạch trong thương mại quốc tế đối với lợi ích của tất cả các bên liên quan;

Mong muốn thiết lập các quy tắc rõ ràng và cùng có lợi về thương mại và đầu tư của mình và nhằm giảm bớt hoặc loại bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư;

Quyết tâm góp phần vào sự phát triển hài hòa và rộng mở của thương mại quốc tế bằng cách loại bỏ rào cản thương mại thông qua Hiệp định này và để tránh tạo ra những rào cản mới cho thương mại và đầu tư giữa hai bên có thể làm giảm những lợi ích của Hiệp định này;

Xây dựng các quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo Hiệp định Tổ chức Thương mại Thế giới và các hiệp định và thỏa thuận đa phương, khu vực và song phương và các thỏa thuận khác mà các bên là thành viên,

Mong muốn thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các công ty trong nước bằng cách đem lại một khuôn khổ pháp lý có thể dự đoán cho quan hệ thương mại và đầu tư;

ĐÃ THỎA THUẬN như sau:

CHƯƠNG MỘT

MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH NGHĨA

Điều 1.1

Thành lập một Khu Vực Thương Mại Tự Do

Các Bên tham gia Hiệp định này đồng thiết lập một khu vực thương mại tự do, phù hợp với Điều XXIV của GATT 1994 và Điều V của GATS.

Điều 1.2

Mục tiêu

Các mục tiêu của Hiệp định này là tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư giữa các bên phù hợp với quy định của Hiệp định này.

Điều 1.3

Định nghĩa

Trong Hiệp định này, trừ trường hợp có quy định khác, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

"Hiệp định Nông nghiệp" là Hiệp định về Nông nghiệp tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

"Hiệp định Mua sắm Chính phủ" là Hiệp định về Mua sắm Chính phủ tại Phụ lục 4 của Hiệp định WTO;

"Hiệp định về kiểm tra trước khi vận chuyển" là Hiệp định về kiểm tra trước khi vận chuyển tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

"Hiệp định Chống bán phá giá" nghĩa là Hiệp định về Thực hiện Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

"Hiệp định trị giá hải quan" là Hiệp định về Thực hiện Điều VII của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

"ngày" là ngày dương lịch;

"DSU" là Thỏa thuận sơ bộ về Quy tắc và Thủ tục Giải quyết tranh chấp tại Phụ lục 2 của Hiệp định WTO;

"GATS" là Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ tại Phụ lục 1B của Hiệp định WTO;

"GATT 1994" là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

"Hệ thống hài hòa" là Hệ thống mã số và mô tả hàng hóa hài hòa, bao gồm tất cả các ghi chú pháp lý và các sửa đổi (sau đây gọi tắt là 'HS');

"IMF" là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund);

"Hiệp định cấp phép nhập khẩu" là Hiệp định về Thủ tục cấp phép nhập khẩu tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

"biện pháp" là luật, quy định, quy tắc, thủ tục, quyết định, hành vi hành chính, thông lệ hoặc hình thức khác;

"thể nhân của một Bên" là một công dân của Việt Nam hoặc của một trong các nước thành viên của Liên minh theo luật pháp tương ứng của mỗi nước;

"Hiệp định Đối tác và Hợp tác" là Hiệp định Đối tác và Hợp tác giữa Liên minh châu Âu và các nước thành viên trong một phần, và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong một phần khác, ký ngày [...];
 

"người" là một thể nhân hoặc một pháp nhân;

"Hiệp định tự vệ" là Hiệp định về Tự vệ tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

"Hiệp định SCM" là Hiệp định về Trợ cấp và các biện pháp chống trợ cấp (Agreement on Subsidies and Countervailing Measures) tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

"Hiệp định SPS" là Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ (Agreement on the Application of Sanitary and Phytosanitary Measures) tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

"Hiệp định TBT" là Hiệp định về hàng rào kỹ thuật thương mại (Agreement on Technical Barriers to Trade) tại Phụ lục 1A của Hiệp định WTO;

"Hiệp định TRIPS" là Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (Agreement on Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights) tại Phụ lục 1C của Hiệp định WTO; "WIPO" là Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (World Intellectual Property Organization);

"Hiệp định WTO" là Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới thực hiện tại Marrakesh ngày 15 tháng 4 năm 1994; "WTO" nghĩa là Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization).

 

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ NHẤT VIỆT

Địa chỉ: P.503, CT5D, KĐT Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội

ĐT: 0473 002 333

Email: contact@taichinhnhatviet.com.vn

Website: taichinhnhatviet.com.vn

Bình luận

Bài viết liên quan