TAFI

Văn bản pháp luật

Bản tiếng Việt Hiệp định EVFTA: Mua sắm công

MUA SẮM CÔNG

Điều I

Các định nghĩa

Trong Chương này:

Hàng hóa hoặc dịch vụ thương mại là hàng hóa hoặc dịch vụ thuộc lọai được bán chung chung hoặc được chào bán trên thị trường thương mại, và thường được mua bởi những khách hàng phi chính phủ cho những mục đích phi chính phủ;

Ngày là ngày tính theo dương lịch;

Đấu giá điện tử là một qui trình lặp đi lặp lại trong đó các nhà cung cấp sử dụng phương tiện điện tử để trình bày hoặc là mức giá mới hoặc những giá trị mới đối với các yếu tố phi giá cả nhưng có thể định lượng của gói thầu liên quan đến các tiêu chí thẩm định, hoặc cả hai, để xếp hạng hoặc xếp hạng lại các gói thầu;

Mua sắm công là quá trình theo đó tổ chức mời thầu như được định nghĩa dưới đây được quyền sử dụng hoặc sở hữu hàng hóa hoặc dịch vụ, hoặc kết hợp cả hai, cho các mục đích của chính phủ chứ không vì các mục đích khác như mua bán thương mại hoặc sử dụng để sản xuất hoặc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ nhằm bán hoặc bán lại;

Đấu thầu hạn chế là một hình thức mua sắm theo đó tổ chức mời thầu được quyền chọn lựa để ký hợp đồng với một hoặc nhiều nhà cung cấp;

Biện pháp là bất kỳ qui định, luật lệ, chỉ dẫn hành chính hoặc thông lệ nào, hoặc bất kỳ hành động nào của tổ chức mời thầu liên quan đến việc mua sắm được bảo đảm;

Danh sách đa dụng là danh sách các nhà cung cấp mà tổ chức mời thầu đã xác định thỏa mãn các điều kiện tham gia vào danh sách đó và tổ chức mời thầu có ý định sử dụng nhiều lần;

Thông báo ý định mua sắm là thông báo được công bố bởi tổ chức mời thầu nhằm mời các nhà cung cấp quan tâm nộp hồ sơ đề xuất tham gia, hồ sơ dự thầu, hoặc cả hai;

Đấu thầu mở rộng là một hình thức mua sắm theo đó tất cả các nhà cung cấp quan tâm có thể nộp hồ sơ dự thầu;

Tổ chức mời thầu là một tổ chức được qui định theo các phụ lục của một Bên;

Công bố là việc phổ biến thông tin thông qua các phương tiện trên giấy hoặc điện tử được phân phối rộng rãi đến công chúng một cách dễ dàng;

Nhà cung cấp đủ năng lực là nhà cung cấp mà tổ chức mời thầu công nhận là đã đáp ứng các điều kiện tham gia;

Đấu thầu chọn lọc là một hình thức mua sắm theo đó chỉ có các nhà cung cấp đủ năng lực được tổ chức mời thầu mời nộp hồ sơ dự thầu;

Dịch vụ bao gồm các dịch vụ xây dựng trừ khi có qui định khác;

Nhà cung cấp là một người hoặc một nhóm người cung cấp hoặc có thể cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ cho tổ chức mời thầu; và

Tiêu chí kỹ thuật là một yêu cầu đấu thầu vốn:

 (a) mô tả những đặc điểm của:

 (i) hàng hóa được mua sắm, bao gồm chất lượng, hiệu suất, an toàn và kích thước, hoặc các qui trình và phương pháp sản xuất; hoặc

(ii) dịch vụ được mua sắm, bao gồm chất lượng, hiệu suất và an toàn, hoặc những qui trình hoặc phương pháp cung cấp;

 (b) địa chỉ, thuật ngữ, biểu tượng, những yêu cầu về đóng gói, đánh dấu hoặc dán nhãn khi chúng áp dụng cho một hàng hóa hoặc dịch vụ;

Điều II

Phạm vi và qui định

1. Chương này áp dụng đối với bất kỳ biện pháp nào về mua sắm được qui định, dẫu nó được tiến hành độc quyền hoặc một phần bởi các phương tiện điện tử.

2. Trong chương này, mua sắm được bảo đảm có nghĩa là mua sắm công:

 (a) hàng hóa, dịch vụ hoặc kết hợp cả hai, như được ghi rõ trong các phụ lục của mỗi Bên;

(b) qua hình thức hợp đồng, bao gồm mua; thuê; và cho thuê, được lựa chọn hay không lựa chọn mua;

(c) theo đó giá trị, như được ước tính theo khoản 6 và 7, bằng hoặc vượt quá ngưỡng tương đương được ghi rõ trong phụ lục của các Bên trong Mục I, tại thời điểm công bố thông báo theo Điều VII;

3. Trừ khi được qui định trong các phụ lục của một Bên, Chương này không áp dụng đối với:

 (a) mua hoặc thuê đất, những tòa nhà hiện hữu hoặc bất động sản khác hoặc các quyền liên quan;

 (b) Các thỏa thuận ngoài hợp đồng hoặc bất kỳ hình thức trợ giúp nào mà một Bên, bao gồm những tổ chức mời thầu của mình, cung cấp, bao gồm những thỏa thuận hợp tác, tài trợ, hỗ trợ, cho vay vốn, góp vốn, bảo lãnh, ưu đãi tài chính và những khỏan đóng góp khác;

(c) Mua sắm hoặc sáp nhập công ty tài chính hoặc các dịch lưu ký, các dịch vụ thanh lý và quản lý đối với các tổ chức tài chính được qui định hoặc các dịch vụ liên quan đến bán, chuộc và phân phối nợ công, bao gồm các khỏan vốn vay, trái phiếu chính phủ, kỳ phiếu và chứng khoán;

 (d) hợp đồng lao động công; (e) việc mua sắm được tiến hành:

(i) cho mục đích cung cấp trợ giúp quốc tế cụ thể bao gồm viện trợ phát triển;

 (ii) theo một thủ tục hoặc điều kiện cụ thể của một tổ chức quốc tế hoặc được góp vốn qua các khoản trợ cấp quốc tế, các khoản vay hoặc sự trợ giúp khác mà Bên nhận, bao gồm các tổ chức mời thầu của mình, buộc phải áp dụng những thủ tục hoặc điều kiện cụ thể được áp đặt bởi tổ chức quốc tế đó hoặc các nhà tài trợ khác. Trường hợp các thủ tục hoặc điều của tổ chức quốc tế hoặc nhà tài trợ không hạn chế việc tham gia của các nhà cung cấp, việc mua sắm sẽ được thực hiện theo Điều 4.1 and 4.2 (Đối xử quốc gia và không phân biệt đối xử).

 (iii) theo những thủ tục hoặc điều kiện cụ thể của một thỏa thuận quốc tế liên quan đến việc đóng quân hoặc chương trình hỗ trợ bổ sung của các nước ký kết;

4. Mỗi Bên ghi rõ những thông tin dưới đây trong các phụ lục của mình:

 (a) trong phụ lục 1, các tổ chức chính phủ trung ương mà việc mua sắm được bảo đảm bởi Hiệp Định này;

(b) trong phụ lục 2, các tổ chức chính phủ dưới trung ương mà việc mua sắm được bảo đảm bởi Hiệp Định này;

(c) trong phụ lục 3, các tổ chức khác mà việc mua sắm được bảo đảm bởi Hiệp Định này; (d) trong phụ lục 4, các lọai hàng hóa được bảo đảm bởi Hiệp Định này;

 (e) trong phụ lục 5, các dịch vụ ngoài các dịch vụ xây dựng được bảo đảm bởi Hiệp Định này;

(f) trong phụ lục 6, các dịch vụ xây dựng được bảo đảm bởi Hiệp Định này; và

(g) trong phụ lục 7, bất kỳ những ghi chú chung nào.

5. Trường hợp luật pháp của một Bên cho phép việc mua sắm được tiến hành thay cho tổ chức mời thầu bởi các tổ chức hoặc cá nhân khác mà việc mua sắm của họ không được bảo đảm đối với hàng hóa và dịch vụ liên quan, các điều khoản trong chương này vẫn hiệu lực như nhau.

Định giá

6. Khi ước tính giá trị của một gói thầu nhằm xác định đó có phải là một vụ mua sắm công hay không, tổ chức mời thầu:

 (a) không được chia một gói thầu thành những gói thầu nhỏ và cũng không được chọn lựa hoặc sử dụng một phương pháp định giá cụ thể để xác định giá trị của một gói thầu với ý định loại bỏ hoàn toàn hoặc một phần của nó ra khỏi phạm vi áp dụng của Chương này; và

 (b) gộp tổng giá trị ước tính tối đa của gói thầu trong suốt thời hạn của nó, cho dù gói thầu này được ký với một hoặc nhiều nhà cung cấp trong cùng một thời điểm hoặc trong một giai đoạn xác định, có tính đến tất cả các hình thức đãi ngộ, bao gồm:

 (i) tiền thưởng, lệ phí, hoa hồng và lãi; và

(ii) tổng giá trị của bất kỳ điều khoản lựa chọn nào;

9. Trường hợp yêu cầu riêng đối với 1 gói thầu dẫn đến việc phải thực hiện nhiều hơn một hợp đồng hoặc thực hiện các hợp đồng theo từng phần riêng biệt (sau đây gọi là "các hợp đồng định kỳ”), việc tính toán tổng giá trị ước tính tối đa sẽ được căn cứ trên:

 (a) giá trị của các hợp đồng định kỳ của cùng loại hàng hóa hoặc dịch vụ được thực hiện trong 12 tháng trước hoặc năm tài chính trước đó của tổ chức mời thầu, được điều chỉnh, nếu có thể, để tính đến những thay đổi được tiên đoán về khối lượng hoặc giá trị của hàng hóa hoặc dịch vụ được đấu thầu trong 12 tháng sau; hoặc

(b) giá trị ước tính của các hợp đồng định kỳ của cùng loại hàng hóa hoặc dịch vụ được thực hiện trong 12 tháng sau theo sau hợp đồng đầu tiên hoặc năm tài chính của tổ chức mời thầu.

Điều III An ninh và các trường hợp ngoại lệ chung

1. Không điều gì trong Hiệp định này được coi là ngăn cản một Bên tiến hành bất kỳ hành động nào hoặc không tiết lộ bất kỳ thông tin nào mà bên đó cho là cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh quan trọng liên quan đến việc mua sắm quân trang, vũ khí hoặc vật dụng chiến tranh, hoặc liên quan đến việc mua sắm cần thiết cho các mục đính an ninh quốc gia hoặc quốc phòng.

2. Trong phạm vi yêu cầu rằng các biện pháp như vậy không được áp dụng theo cách sẽ dẫn đến phân biệt đối xử tùy tiện hoặc phi lý giữa các Bên trong cùng những điều kiện hoặc sẽ dẫn đến biện pháp hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế, không có qui định nào trong Hiệp định này được coi là ngăn cản một Bên áp đặt hoặc thực thi các biện pháp:

 (a) cần thiết để bảo vệ chuẩn mực đạo đức, trật tự an toàn cộng đồng;

(b) cần thiết để bảo vệ đời sống sức khỏe con người, động thực vật;

(c) cần thiết để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; hoặc

(d) liên quan đến hàng hóa hoặc dịch vụ của những người khuyết tật, các tổ chức từ thiện, các tổ chức phi chính phủ thực hiện các hoạt động từ thiện hoặc lao động tù nhân.

Điều IV Những nguyên tắc chung

Ứng xử quốc gia và không phân biệt đối xử

1. Đối với bất kỳ biện pháp nào liên quan đến mua sắm được bảo đảm, mỗi Bên, bao gồm các tổ chức mời thầu của mình, sẽ ứng xử ngay lập tức và vô điều kiện đối với các hàng hóa và dịch vụ của Bên kia và các nhà cung cấp của Bên kia chào bán hàng hóa hoặc dịch vụ của hai Bên theo cách không kém thuận lợi hơn việc ứng xử mà mình, bao gồm các tổ chức mời thầu của mình, dành cho hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp nội địa;

2. Đối với bất kỳ biện pháp nào liên quan đến mua sắm được bảo đảm, một Bên, bao gồm các tổ chức mời thầu của mình, sẽ không được:

(a) đối xử một nhà cung cấp nội địa này kém thuận lợi hơn so với nhà cung cấp nội địa kia trên cơ sở mức độ liên kết hoặc sở hữu có yếu tố nước ngoài; hoặc

 (b) phân biệt đối xử đối với một nhà cung cấp nội địa dựa trên việc hàng hóa hoặc dịch vụ được chào bán bởi nhà cung cấp đó đối với một gói thầu cụ thể là hàng hóa hoặc dịch vụ của Bên kia;

Sự tuân thủ và thực hiện mua sắm

3. Mỗi Bên phải đảm bảo rằng các tổ chức mời thầu của mình phải tuân thủ Chương này trong việc thực hiện các gói thầu được bảo đảm.

4. Một tổ chức mời thầu sẽ tiến hành việc mua sắm một cách minh bạch và công bằng vốn phải:

 (a) tuân thủ đúng theo Chương này, sử dụng một trong những hình thức sau: đấu thầu mở rộng, đấu thầu chọn lọc hoặc đấu thầu hạn chế;

(b) trách xung đột về quyền lợi và ngăn chặn các hoạt động đồi bại theo các qui định của luật nội địa có liên quan;

5. Không điều gì trong Chương này sẽ ngăn cản một Bên, bao gồm các tổ chức mời thầu của Bên đó, phát triển các chính sách, thủ tục mua sắm mới, hoặc các hình thức hợp đồng, miễn là chúng không đi ngược với Chương này.

Sử dụng phương tiện điện tử

6. Các Bên sẽ nỗ lực mang lại cơ hội để việc mua sắm đuợc tiến hành thông qua các phương tiện điện tử, bao gồm, đối với việc công bố thông tin mua sắm, các thông báo và hồ sơ mời thầu, và đối với việc tiếp nhận hồ sơ dự thầu và bằng việc sử dụng đấu thầu điện tử nếu thích hợp.

7. Khi tiến hành việc mua sắm qua các phương tiện điện tử, tổ chức mời thầu phải:

 (a) đảm bảo rằng việc mua sắm được tiến hành bằng việc sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin và phần mềm, kể cả các hệ thống và phần mềm liên quan đến việc xác thực và mã hóa thông tin, luôn có sẵn và có thể hoạt động tương tác với các hệ thống công nghệ thông tin và phần mềm khác; và

(b) duy trì các cơ chế nhằm đảm bảo tính trọn vẹn của các đề xuất tham gia và hồ sơ dự thầu, bao gồm việc thiết lập thời gian tiếp nhận và ngăn cản các truy cập không phù hợp.

Các qui tắc xuất xứ

8. Mỗi Bên sẽ áp dụng đối với việc mua sắm hàng hóa hoặc dịch vụ được nhập khẩu hoặc cung cấp bởi Bên kia các qui tắc xuất xứ mà mình áp dụng hoặc có thể áp dụng đồng thời theo lộ trình mậu dịch bình thường đối với cùng loại hàng hóa hoặc dịch vụ được nhập khẩu hoặc cung cấp bởi cùng một Bên.

Sự bù trừ

9. Đối với gói thầu được bảo đảm và trong phạm vi của Phụ lục liên quan thuộc Chương này, một Bên, bao gồm các tổ chức mời thầu của mình, sẽ không xem xét, viện đến, áp đặt hoặc áp dụng bất kỳ hình thức bù trừ nào.

Các biện pháp không cụ thể trong mua sắm

10. Các khoản 1 và 2 sẽ không áp dụng đối với thuế quan và phí các loại đánh lên hoặc có liên quan đến nhập khẩu; phương pháp áp dụng các lọai thuế và phí đó; các qui định khác về nhập khẩu, hoặc các thủ tục và biện pháp ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ hơn là các biện pháp quản lý mua sắm được bảo đảm.

1. Mỗi Bên sẽ:

 

Điều V. Thông tin về Hệ thống mua sắm

 (a) công bố ngay bất kỳ biện pháp áp dụng chung nào, kể cả điều khoản hợp đồng tiêu chuẩn mà luật pháp qui định, liên quan đến mua sắm được bảo đảm trên phương tiện điện tử hoặc giấy được chỉ định chính thức; và

 (b) cung cấp, trong phạm vi có thể, sự giải thích cho bất kỳ Bên nào theo yêu cầu.

2. Mỗi Bên phải liệt kê trong Phụ lục X phương tiện giấy hoặc điện tử để công bố thông tin được qui định trong khoản 1 và các thông báo theo yêu cầu của Điều 6, 8.7 và 16.2.

Điều VI Các thông báo

Thông báo ý định mua sắm

1. Đối với mỗi gói thầu, ngoại trừ các trường hợp được mô tả ở Điều XIII (Đấu thầu hạn chế - các điều khoản liên quan), tổ chức mời thầu phải công bố thông báo về ý định mua sắm trên phương tiện giấy hoặc điện tử phù hợp được liệt kê trong Phụ lục X ít nhất cho đến khi hết thời hạn được ghi trong thông báo trong trường hợp sử dụng phương tiện điện tử. Các thông báo sẽ:

 (a) đối với các tổ chức mời thầu được qui định trong Phụ lục 1, có thể được phổ biến miễn phí bằng phương tiện điện tử thông qua một điểm truy cập, ít nhất cho đến khi kết thúc thời hạn được ghi trong Mục III; và

 (b) đối với các tổ chức mời thầu được qui định trong Phụ lục 2 hoặc 3, trường hợp có thể tiếp cận bằng phương tiện điện tử, được cung cấp miễn phí, ít nhất, thông qua các liên kết trên cổng thông tin điện tử.

Các Bên, bao gồm các tổ chức mời thầu của mình như được qui định trong Phụ lục 2 hoặc 3, được khuyến khích công bố các thông báo trên các phương tiện điện tử miễn phí thông qua điểm tiếp cận duy nhất.

2. Trừ khi có những qui định khác trong Chương này, mỗi thông báo ý định mua sắm phải bao gồm:

 (a) tên và địa chỉ của tổ chức mời thầu và các thông tin khác cần thiết để liên lạc với tổ chức mời thầu và nhận các tài liệu liên quan đến gói thầu, bao gồm thông tin về chi phí và điều khoản thanh toán để mua các tài liệu này, nếu có;

 (b) mô tả về gói thầu, bao gồm tính chất và khối lượng của hàng hóa hoặc dịch vụ đấu thầu hoặc, khối lượng ước tính trong trường hợp khối lượng chưa xác định rõ;

 (c) nếu có thể, đối với các hợp đồng định kỳ, ước tính thời gian cho những thông báo ý định mua sắm sau này;

(d) mô tả về bất kỳ phương án lựa chọn nào thấy phù hợp;

(e) thời gian giao hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc thời hạn hợp đồng;

(f) hình thức mua sắm sẽ được áp dụng và, nếu thấy phù hợp, có cần phải kết hợp việc thỏa thuận hoặc đấu giá điện tử hay không.

(g) địa chỉ và hạn chót nộp đề xuất tham gia dự thầu;

(h) địa chỉ và hạn chót nộp hồ sơ dự thầu;

(i) ngôn ngữ hoặc các ngôn ngữ sử dụng trong hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đề xuất tham gia trong trường hợp ngôn ngữ khác với ngôn ngữ chính thức của Bên mời thầu;

(j) danh sách và bảng mô tả tóm tắt các điều kiện tham gia của nhà cung cấp, bao gồm, những yêu cầu đối với tài liệu hoặc giấy chứng nhận cụ thể, trừ khi những yêu cầu đó đã ghi trong hồ sơ mời thầu vốn được cung cấp đồng thời với thông báo ý định mua sắm;

(k) các tiêu chí sẽ được áp dụng để lựa chọn nhà cung cấp và mức giới hạn về số lượng nhà cung cấp được phép dự thầu, trong trường hợp, theo Điều VIII, tổ chức mời thầu có ý định lựa chọn một số giới hạn các nhà cung cấp đủ năng lực để tham gia dự thầu; và

(l) dấu chỉ cho thấy gói thầu được bảo đảm theo Chương này;

Thông báo vắn tắt

3. Đối với mỗi ý định mua sắm, tổ chức mời thầu sẽ công bố một thông báo vắn tắt bằng tiếng Anh có thể được nhận miễn phí thông qua phương tiện điện tử được liệt kê trong Phụ lục X đồng thời với việc công bố thông báo ý định mua sắm. Thông báo vắn tắt tối thiểu phải gồm những thông tin dưới đây:

(a) nội dung của gói thầu;

 (b) hạn chót nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất tham gia dự thầu hoặc đưa vào danh sách đa dụng; và

 (c) địa chỉ nhận tài liệu liên quan đến gói thầu;

4. Bên EU sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính nhằm phát triển, thiết lập và duy trì hệ thống tự động biên dịch và công bố các thông báo vắn tắt bằng tiếng Anh. Sự hợp tác này được đề cập trong ... Chương/Hiệp định này. Việc thực hiện điều khoản này phụ thuộc vào việc hiện thực hóa kế hoạch trợ giúp kỹ thuật và tài chính cho sự phát triển, thiết lập và duy trì hệ thống tự động biên dịch và công bố các thông báo vắn tắt bằng tiếng Anh ở Việt Nam.

Thông báo kế hoạch mua sắm

5. Vào mỗi năm tài chính, các tổ chức mời thầu được khuyến khích phải công bố càng sớm càng tốt thông báo về kế hoạch mua sắm trong tương lai của mình (sau đây gọi chung là ‘thông báo kế hoạch mua sắm’), bao gồm nội dung của gói thầu và ngày dự tính công bố thông báo ý định mua sắm.

6. Một tổ chức mời thầu như được qui định trong Phụ lục 2 hoặc 3 có thể sử dụng thông báo kế hoạch mua sắm giống như là thông báo ý định mua sắm miễn là thông báo kế hoạch mua sắm phải bao gồm càng nhiều thông tin như được đề cập ở khoản 2 càng tốt và một tờ trình mà các nhà cung cấp sẽ thể hiện sự quan tâm của họ đối với gói thầu.

Điều VII Các điều kiện tham gia

1. Tổ chức mời thầu sẽ giới hạn điều kiện tham gia gói thầu tới mức đủ để đảm bảo rằng một nhà cung cấp có đủ năng lực pháp lý và tài chính và khả năng thương mại và kỹ thuật để thực hiện gói thầu.

2. Trong việc thiết lập các điều kiện tham gia, tổ chức mời thầu:

 (a) không được áp đặt điều kiện rằng, để được tham gia vào gói thầu, nhà cung cấp đã từng ký một hoặc nhiều hợp đồng với tổ chức mời thầu của một Bên hoặc nhà cung cấp phải có kinh nghiệm làm việc trong lãnh thổ của Bên đó;

 (b) có thể yêu cầu kinh nghiệm cần thiết để đáp ứng những yêu cầu của gói thầu;

3. Khi đánh giá liệu một nhà cung cấp có thỏa mãn các điều kiện tham gia hay không, tổ chức mời thầu sẽ

(a) thẩm định năng lực tài chính cũng như khả năng thương mại và kỹ thuật của nhà cung cấp trên cơ sở các hoạt động kinh doanh của nhà cung cấp trong và ngoài lãnh thổ thuộc Bên của tổ chức mời thầu và

 (b) sẽ thẩm định chủ yếu trên cơ sở các điều kiện mà tổ chức mời thầu đã ghi rõ trước đây trong các thông báo hoặc hồ sơ mời thầu.

4. Trường hợp có bằng chứng, một Bên, bao gồm các tổ chức mời thầu của Bên đó, có thể loại nhà cung cấp vì lý do sau đây:

 (a) phá sản;

(b) khai báo sai lệch;

(c) những thiếu sót lớn hoặc dai dẳng trong việc thực hiện yêu cầu hoặc nghĩa vụ quan trọng cam kết trong những hợp đồng trước;

(d) những phán quyết cuối cùng của tòa án tư pháp liên quan đến những tội phạm nghiêm trọng hoặc những hành vi phạm tội nghiêm trọng khác;

(e) những chứng cứ về hành vi sai trái nghiêm trọng về chuyên môn; hoặc

(f) không đóng thuế

Điều VIII Thẩm định năng lực nhà cung cấp

Hệ thống đăng ký và thủ tục thẩm định năng lực

1. Một Bên có thể duy trì hệ thống đăng ký nhà cung cấp theo đó các nhà cung cấp quan tâm phải đăng ký và cung cấp một số thông tin.

2. Mỗi Bên phải đảm bảo rằng:

(a) các tổ chức mời thầu của mình phải nỗ lực để giảm thiểu những sai lệch trong các thủ tục thẩm định năng lực; và

(b) trường hợp các tổ chức mời thầu có các hệ thống đăng ký, họ phải nỗ lực giảm thiểu những sai lệch trong hệ thống đăng ký của mình;

3. Một bên không được tán thành hoặc áp dụng bất kỳ hệ thống đăng ký hoặc thủ tục thẩm định năng lực nào:

 (a) với mục đích hoặc ảnh hưởng tạo ra những rào cản không cần thiết đối với sự tham gia dự thầu của các nhà cung cấp của Bên kia; hoặc

(b) để ngăn cản hoặc trì hoãn việc kết nạp các nhà cung cấp của bên kia vào danh sách nhà cung cấp hoặc ngăn cản các nhà cung cấp đó không được xem xét tham gia một gói thầu cụ thể;

Đấu thầu chọn lọc

4. Trường hợp một tổ chức mời thầu có ý định sử dụng đấu thầu chọn lọc, tổ chức này phải:

 (a) đưa vào thông báo ý định mua sắm tối thiểu các thông tin được ghi rõ tại Điều VI: 2(a), (b), (f), (g), (j), (k) và (l) và mời các nhà cung cấp nộp đề xuất tham gia thầu; và

(b) cung cấp tối thiểu các thông tin trong Điều VI:2 (c), (d), (e), (h) và (i) khi bắt đầu giai đoạn đấu thầu cho các nhà cung cấp đủ năng lực như được ghi rõ trong Điều XI 3(b).

5. Tổ chức mời thầu phải:

 (a) công bố thông báo một cách đầy đủ trước gói thầu để cho phép các nhà cung cấp quan tâm nộp hồ sơ đề xuất tham gia;

 (b) cho phép tất cả các nhà cung cấp đủ năng lực nộp hồ sơ dự thầu trừ trường hợp tổ chức mời thầu ghi trong thông báo ý định mua sắm việc giới hạn số lượng nhà cung cấp được phép đấu thầu và các tiêu chí lựa chọn số lượng giới hạn các nhà cung cấp.

6. Trường hợp hồ sơ mời thầu chưa được phân phối công khai kể từ ngày thông báo được công bố như được dẫn chiếu trong khoản 4, tổ chức mời thầu phải đảm bảo rằng những hồ sơ này phải được phân phối cùng thời điểm đến tất cả các nhà cung cấp đủ năng lực đã được lựa chọn theo khoản 5.

7. Một tổ chức mời thầu có thể duy trì áp dụng danh sách đa dụng miễn là thông báo mời các nhà cung cấp quan tâm đăng ký tên vào danh sách phải:

(a) được công bố hàng năm; và

(b) nếu được công bố trên các phương tiện điện tử, phải công bố liên tục qua phương tiện phù hợp được liệt kê trong Phụ lục X.

8. Thông báo được qui định trong khoản 8 bao gồm:

 (a) bảng mô tả về hàng hóa hoặc dịch vụ, hoặc các chủng loại liên quan, theo đó danh sách có thể được sử dụng:

(b) các điều kiện tham gia đăng ký vào danh sách và các phương pháp mà tổ chức mời thầu sẽ sử dụng để xác minh rằng một nhà cung cấp thỏa mãn các điều kiện đó;

(c) tên và địa chỉ của tổ chức mời thầu và các thông tin cần thiết để liên lạc với tổ chức và nhận các tài liệu liên quan đến danh sách;

(d) thời hạn hiệu lực của danh sách và cách thức làm mới lại hoặc hủy bỏ, hoặc trong trường hợp thời hạn hiệu lực không được qui định, chỉ định phương pháp thông báo việc hủy bỏ sử dụng danh sách; và

Bình luận

Bài viết liên quan