TAFI

Văn bản pháp luật

Chính sách nổi bật về Lao động – Tiền lương có hiệu lực từ 01/2016

Nhất Việt xin giới thiệu những chính sách nổi bật về Lao động – Tiền lương bắt đầu có hiệu lực từ tháng 01/2016.

1. Mức lương tối thiểu vùng 2016

Từ ngày 01/01/2016, Nghị định 122/2015/NĐ-CP  về mức lương tối thiểu vùng mới bắt đầu có hiệu lực thi hành. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng cụ thể như sau:

– Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015).

– Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng so với năm 2015).

– Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng so với năm 2015).

– Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng so với năm 2015).

Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2016 được quy định tại Phụ lục ban hành kèm Nghị định này.

Nghị định 122/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 103/2014/NĐ-CP.

2. Phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo dạy nghề công lập

Theo Nghị định 113/2015/NĐ-CP  quy định về phụ cấp đặc thù, ưu đãi, trách nhiệm công việc và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thì Quy định mới về phụ cấp đặc thù như sau:

– Đối tượng hưởng phụ cấp là nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân ưu tú trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

– Mức phụ cấp bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

– Phụ cấp đặc thù được tính theo số giờ dạy tích hợp, giờ thực hành thực tế; được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không là căn cứ để tính, đóng bảo hiểm xã hội.

Nghị định 113/2015/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016.

3. Tổng hợp điểm mới Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH về lao động

Từ ngày 01/01/2016, Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH  hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Theo đó, có những điểm mới đáng chú ý như sau:

a. Trường hợp nghỉ việc có lý do chính đáng

Các trường hợp sau được xem là nghỉ việc có lý do chính đáng:

– Do thiên tai, hỏa hoạn mà người lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể có mặt để làm việc.

– Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp, đứa trẻ mà người lao động mang thai hộ đang nuôi theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

(Trường hợp nghỉ việc có lý do chính đáng sẽ không bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải theo Điều 31 của Nghị định 05).

b. Bãi bỏ quy định về việc phải trả lương ngay trong tháng làm việc cho người lao động tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH, chỉ còn quy định về việc trả lương một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả vào thời điểm trả lương.

c. Sửa đổi, bổ sung quy định về tiền lương thực trả của ngày làm việc bình thường để tính tiền làm thêm giờ; tiền lương thực trả sẽ không bao gồm tiền lương làm thêm giờ, trả thêm khi làm vào ban đêm, tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, hỗ trợ…

d. Tiền lương trả cho một ngày làm việc được xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng (tuy nhiên số ngày làm việc trong tháng không được vượt quá 26 ngày).

e. Tiền lương để làm căn cứ trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc có hưởng lương, tạm ứng tiền lương theo Điều 26 của Nghị định 05 là tiền lương theo hợp đồng lao động quy định tại Khoản 1, Điểm a Khoản 2, Điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư này.

f. Ngoài ra, Thông tư 47 còn hướng dẫn nhiều vấn đề về ủy quyền giao kết hợp đồng, hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi…

Thông tư 19/2003/TT-BLĐTBXH  hết hiệu kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

4. Quy định mới về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo

Theo Thông tư liên tịch 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH, thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, gồm:

– Thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, dự trữ quốc gia, kiểm tra Đảng;

– Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an, cơ yếu;

– Thời gian làm việc được tính hưởng thâm niên ở ngành, nghề khác (nếu có).

Ngoài ra, Thông tư liên tịch này còn sửa đổi quy định về đối tượng và phạm vi áp dụng chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH.

Thông tư liên tịch 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH  sẽ có hiệu lực từ ngày 04/01/2016.

Bình luận

Bài viết liên quan