Hôm 29/11 quả thực là một ngày ‘điên cuồng’ với Bitcoin. Đã có những lúc nhà đầu tư được đưa lên mây xanh khi giá Bitcoin lần đầu tăng hơn 1.000 USD chỉ trong 1 ngày. Tuy nhiên, cũng là Bitcoin trong tối thứ tư đã làm rất nhiều người thất vọng khi chỉ trong 10 phút, giá sụt 7% và toàn bộ 13 tỷ USD trong thị trường bị bốc hơi.
Nhìn lại một loạt sự kiện diễn ra trên thị trường, từ cách giá Bitcoin bị đẩy lên cũng như các dấu hiệu báo động giá đồng tiền này chuẩn bị ‘cắm đầu’ xuống, tôi hiểu ra sự thật: Muốn kiếm tiền hoặc rất nhiều tiền, với thứ tài sản ảo này thì tốt nhất là bạn hãy là một con ‘cá voi’ vốn sở hữu thật nhiều Bitcoin (đồng nghĩa với rất nhiều tiền); bằng không thì chắc chắn sẽ có những lúc bạn bị mất tiền đầy ấm ức giống như tôi và các nhà đầu tư nhỏ lẻ vào đêm 29/11 mà thôi.
Nhờ Bitcoin, bạn có thể mua được 1 chiếc iPhone X chỉ sau có nửa ngày!
29/11/2017 đánh dấu cột mốc quan trọng của Bitcoin khi vào đầu giờ sáng hôm đó (giờ Việt Nam) các website cung cấp giá đều thể hiện mức giá 10.000 USD cho 1 Bitcoin.
Trước đó, đã có rất nhiều người nói đến mốc 10.000 USD này như là đỉnh cao của Bitcoin năm 2017, và được nói nhiều đến có nghĩa rằng hoặc nhiều người sẽ lấy mức giá này để bán Bitcoin ra làm giá giảm, hoặc thị trường sẽ cân bằng và chọn đây là 'mốc nghỉ chân'.
Nhưng diễn biến thật sự hôm đó lại không như vậy. Giá Bitcoin mải miết tăng trong cả ngày với tốc độ nhanh hơn cả trước đó. Có những khoảng thời gian như 1 tiếng đồng hồ từ 2 - 3 giờ chiều, đã có 6,5 tỷ USD được 'bơm' vào thị trường làm giá tăng 4%. Nếu so sánh với những tiếng trước khi Bitcoin đạt 10.000 USD, số vốn bơm thêm này gấp đến vài lần.
Đến cuối giờ chiều 29/11, Bitcoin đã chính thức chạm mức giá 11.000 USD. Thậm chí sau đó, giá vẫn tiếp tục phá những đỉnh mới, 11.100 USD, 11.200 USD rồi 11.300 USD. Tăng hơn 1.000 USD trong chưa đầy 1 ngày, đây quả là một thành tích lên giá 'vô tiền khoáng hậu' của Bitcoin. Trước đó, để nhích lên mức tương tự, Bitcoin sẽ mất 2 - 3 ngày.
Tôi thì thuộc nhóm các nhà đầu tư nghĩ rằng 10.000 USD là đỉnh cao của Bitcoin nên đã bán toàn bộ 1 Bitcoin mình có ở mức giá này hồi buổi sáng. Như vậy so với việc bán vào buổi chiều, tôi đã thiệt mất khoảng 1.000 USD - số tiền đủ để mua chiếc điện thoại đang được săn đón nhất lúc này là iPhone X.
Còn tôi thì đã mất một chiếc iPhone X chỉ trong có nửa tiếng!
Cách nghĩ của những nhà đầu tư nhỏ khi tham gia thị trường Bitcoin đang tăng trưởng liên tục này là muốn kiếm những món tiền lớn trong khoảng thời gian rất ngắn.
Điều đó tạo nên tâm lý FoMO (Fear of Missing Out): những người tham gia thấy giá đang tăng thì sẽ mua vào, bất kể ở giá cao, vì nghĩ rằng giá sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong tương lai. Họ sợ rằng sẽ vuột mất cơ hội làm tài sản của mình tăng lên. Điều này trái với nguyên tắc 'mua đáy, bán đỉnh' chúng ta vẫn biết khi đầu tư.
Sau khi bán hết Bitcoin với giá 10.000 USD, cả ngày tôi chỉ biết nhìn biểu đồ trong tiếc nuối vì đã bán quá sớm. Cuối ngày, chính xác là 10h20 tối khi giá được đẩy lên một mức chẳng ai ngờ là hơn 11.200 USD, tôi quyết định mua vào 1 Bitcoin. Tôi tính toán rằng nếu đà tăng vẫn giữ được như trong ngày, giá Bitcoin sẽ vươn tới tận 12.000 USD, hay thậm chí 15.000 USD và tôi sẽ có lãi.
Tuy nhiên, chính tâm lý FoMO này đã khiến tôi làm hại đến túi tiền của mình. Một loạt sự kiện diễn ra bất thường sau đó dường như cũng báo hiệu những điều không lành.
Tôi mua Bitcoin trên sàn trao đổi có tên R. Mua xong, số Bitcoin sẽ được chuyển về ví C. - một ví trữ các loại tiền ảo có uy tín hàng đầu. Tuy nhiên, điều bất thường đầu tiên tôi nhận ra lúc đó là website của ví C. đã bị sập. Dòng chữ 'Service Unavailable' lạnh lùng chắc chắn đã làm hoảng loạn rất nhiều người vì tài sản của họ đều chứa trong ví C.
Thay vào đó, tôi dùng ví B. - một ví ít phổ biến hơn - để nhận Bitcoin. Từ đó, tất cả quá trình mua và chuyển tiền tại sàn R. được thực hiện suôn sẻ trong khoảng 10 phút. Điều không suôn sẻ duy nhất có lẽ chính là việc giá Bitcoin đã 'cắm đầu' giảm mạnh trong lúc tôi mua.
Lúc mua, giá Bitcoin vẫn ở 11.300 USD. Sau khi mua xong, tôi ngước nhìn lại biểu đồ và không tin vào mắt mình khi thấy giá đã giảm chỉ còn khoảng 10.500 USD. Như vậy, 13 tỷ USD trên thị trường đã bị bốc hơi chỉ trong có 10 phút. Giảm 7% trong thời gian đun sôi một tách trà, thực sự khó có một trường nào có thể 'ảo' như thị trường tiền ảo này!
Điều đáng sợ lúc này là tôi chắc chắn đã mất tiền. Chỉ từ lúc bắt đầu quyết định mua cho đến lúc mua xong, 800 USD, hay là hơn 18 triệu đồng của tôi đã 'ra đi'. Tôi cố gắng 'cắn răng' chờ giá Bitcoin tăng lên. Tuy nhiên, điều này không xảy ra và giá lại tiếp tục giảm sâu.
Khoàng 30 phút sau khi mua, tôi quyết định bán toàn bộ Bitcoin để cắt lỗ. Khi bán, giá trị 1 Bitcoin chỉ là khoảng 10.300 USD. Và như thế, tôi đã mất đúng 1.000 USD - số tiền đủ để mua một chiếc iPhone X - chỉ sau thời gian nửa tiếng.
Giờ đây, tôi hiểu vì sao người ta nói 'giá Bitcoin lên rất nhanh và giảm cũng chóng vánh chẳng kém'. Đến 2h30 sáng 30/11, giá Bitcoin đã có những khi giảm chỉ còn 8.700 USD. Như thế, hơn 4 tiếng giảm giá đã làm 45 tỷ USD bị rút ra khỏi thị trường.
Muốn kiếm tiền từ Bitcoin, tốt nhất là hãy là người giàu từ trước; bằng không đừng trách vì sao mất tiền đau đớn!
Tôi suy nghĩ để cố lý giải vì sao giá Bitcoin lại tăng chóng mặt và cũng sụt giảm thê thảm chỉ trong đúng 1 ngày như thế. Ai đã bơm 6,5 tỷ USD chỉ trong 1 tiếng đồng hồ vào thị trường để góp phần giúp Bitcoin tạo đỉnh mới nhanh như thế? Và ai đã rút ra 13 tỷ USD khỏi thị trường chỉ trong có 10 phút để những nhà đầu tư nhỏ lẻ trở tay không kịp?
Để giải thích, chúng ta cần nhắc đến những thuật ngữ là 'cá voi' (whale) hay 'cá mập' (shark). Đây là những cá nhân, tổ chức sở hữu rất nhiều Bitcoin (và đương nhiên là rất nhiều tiền).
Ví dụ ở bảng phân phối Bitcoin ở trên, có thể thấy số ví sở hữu trên 10 Bitcoin chỉ là khoảng 150.000 trên tổng số hơn 23 triệu ví đang có chứa Bitcoin. Tuy nhiên, tổng số Bitcoin mà các ví này chứa lại lên đến 14,5 triệu đồng trên tổng số 16,7 triệu đồng đang tồn tại.
Như vậy, đây là một thực trạng với thị trường này: 0,65% những người giàu nhất đang nắm giữ gần 88% tài sản.
Với sự chênh lệch này, các thủ thuật làm giá có thể xảy ra rất dễ dàng. Chỉ cần một động tác mua vào của 'cá voi' hay 'cá mập', vì số lượng Bitcoin được đẩy vào thị trường là rất lớn nên giá dễ dàng tăng lên. Điều ngược lại sẽ xảy ra khi những 'tay to' này bán ra.
Vậy, tôi có thể giải thích những diễn biến trên thị trường ngày 29/11 như sau:
- Vì sao giá tăng hơn 1.000 USD chỉ trong có 12 tiếng?
Sau khi giá Bitcoin vượt ngưỡng 10.000 USD, thị trường không hề kìm lại. Những dòng vốn mạnh mẽ đầu tiên được đổ vào (ví dụ như 6,5 tỷ USD trong 1 giờ đồng hồ) là nhờ những con 'cá voi' và 'cá mập'.
Khi thị trường có những tín hiệu tăng mạnh đến bất ngờ, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng tin rằng giá sẽ đạt một đỉnh cao mới. Với tâm lý FoMO sợ vuột mất cơ hội kiếm tiền, họ cũng tích cực mua vào. Mượn sức mua này, giá Bitcoin tăng mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng người được lợi nhất chính là những kẻ đã mua số lượng lớn ở thời điểm đầu để 'khơi mào' cho kỳ tăng giá.
Biểu đồ kỹ thuật chứng minh điều này một cách rõ ràng. Bạn có thể so với quãng Bitcoin tăng lên 10.000 USD và thấy quãng tăng lên 11.000 USD chứng kiến những cây nến xanh dài hơn hẳn. Điều này thể hiện một lực mua vào rất lớn với ý đồ đẩy giá lên một mức mới.
Muốn kiếm tiền với Bitcoin, hãy có thật nhiều tiền trước đã. Khi đó, bạn có thể kiếm được rất nhiều trong thời gian rất ngắn!
- Vì sao giá giảm 7%, 13 tỷ USD bốc hơi chỉ trong có 10 phút?
Khi giá tăng đạt đến mục tiêu, các 'tay to' sẽ quyết định bán chốt lời. Do số lượng bán ra lớn, giá Bitcoin giảm cực nhanh và các nhà đầu tư nhỏ thường trở tay không kịp (ví dụ như tôi tối hôm qua). Kết quả là chỉ những kẻ sở hữu rất nhiều Bitcoin đã thổi giá lên mới có lãi.
Ví dụ, với một 'tay to' sở hữu khoảng 10.000 Bitcoin, số tiền lãi thu về khi mua lúc 10.000 USD và bán lúc 11.300 USD là 13 triệu USD. Xin nhấn mạnh, số tiền này có được chỉ trong vẻn vẹn 90 phút. Còn với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, khi giá xuống đến 8.700 USD, tất cả các nhà đầu tư FoMO đã mua từ 10.000 USD có lẽ đều đã lỗ.
- Vì sao ví C. lại bị đánh sập ở thời điểm trùng hợp như vậy?
Đây có thể cũng là chiêu trò của 'cá mập' và 'cá voi' vì sau đợt giảm giá mạnh đó, ví C. đã trở lại hoạt động bình thường. Hãy thử tượng tượng, nếu nhà đầu tư thấy một ví trữ Bitcoin uy tín bị đánh sập, chắc chắn họ sẽ bán tống bán tháo Bitcoin ra tiền mặt để bảo toàn tài sản.
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ BSA
VPGD: P.1206B (sảnh B) Tòa nhà FLC Landmark - P. Mỹ Đình 2 – Q. Nam Từ Liêm – Hà Nội
Tel : 02473 002 333
Email: contact@bsagroup.com.vn
Web: www.bsagroup.com.vn